RÀ SOÁT, NGHIÊN CỨU KỸ LƯỠNG CÁC QUY ĐỊNH VỀ VIỆC THU THẬP TÀI LIỆU, CHỨNG CỨ
Các đại biểu cơ bản đồng tình với quy định trong vụ án hành chính, vụ việc dân sự và các vụ việc do các bên tự thu thập chứng cứ, tuy nhiên, đại biểu Hoàng Quốc Khánh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu đề nghị không nên áp dụng cho tất cả các trường hợp. Bởi đối với những người yếu thế trong xã hội, người nghèo, cận nghèo, và nhất là người dân tộc thiểu số, trình độ dân trí hạn chế thì họ rất cần Tòa án có trách nhiệm thu thập chứng cứ.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre cho rằng, trong một số trường hợp nhất định, nếu Tòa án không thu thập chứng cứ thì có thể khiến quá trình giải quyết vụ án, vụ việc gặp khó khăn, ví dụ như: việc xem xét lại quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao, hoặc các vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp.
Cho ý kiến vào các quy định về đổi mới Toà án nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện theo thẩm quyền xét xử, nhiều đại biểu tán thành với phương án đổi mới tòa án nhân dân cấp tỉnh thành tòa án nhân dân phúc thẩm, cấp huyện thành tòa án nhân dân sơ thẩm. Điều này sẽ khắc phục được tình trạng quan hệ giữa các cấp Tòa án là quan hệ hành chính, bảo đảm độc lập giữa các cấp xét xử và tính độc lập của Tòa án.
Về hoạt động thông tin tại phiên tòa, nhiều ý kiến cũng đề nghị Ban Soạn thảo cân nhắc quy định theo hướng cơ quan báo chí được ghi âm, ghi hình thông qua màn hình trực tuyến do các Tòa án trang bị tại phòng riêng khi được sự đồng ý của đương sự và của Chủ tọa phiên tòa, phiên họp. Bởi thực tế hiện nay nhiều vụ án đông người, có tính chất quan trọng thì một số Tòa án đã trang bị màn hình riêng tại nhiều vị trí để các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo dõi, ghi nhận diễn biến phiên tòa./.
Thực hiện: Huy Vinh - Quốc Hùng