Sự kiện này cùng với việc 51 vùng trồng sầu riêng của Việt Nam được chấp thuận xuất khẩu chính ngạch sang đất nước tỷ dân sẽ là cơ hội rộng lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời, giúp doanh nghiệp và nông dân thu được lợi nhuận cao hơn từ loại quả đặc sản này.
Tại Tân Phát Địa, khu chợ đầu mối có quy mô giao dịch lớn nhất Bắc Kinh, thậm chí cả châu Á, nhiều mặt hàng hoa quả thế mạnh của Việt Nam như thanh long, mít, bưởi da xanh, chuối, soài... đang được bày bán, cùng với hoa quả nhập khẩu của khoảng 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Tuy nhiên, vào một ngày giữa tháng 9, tại các dãy hàng vốn nhộn nhịp giao dịch sầu riêng giờ trống không, hết hàng vì nước xuất khẩu đã qua vụ. Chỉ còn một số quầy bán lẻ thưa thớt. Đúng vào lúc này, vào ngày hôm qua (17/9), chuyến sầu riêng đầu tiên xuất khẩu của Việt Nam chính thức được đưa sang Trung Quốc.
Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất toàn cầu. Năm 2021, nước này đã nhập hơn 822.000 tấn sầu riêng với tổng kim ngạch lên tới 4,2 tỷ USD; trong đó, Thái Lan là nước chiếm tỷ trọng lớn nhất với khoảng 90%.
Tuy nhiên, theo bà Dương Lệ Lệ và một số thương nhân Trung Quốc, một trong những điểm bất lợi của sầu riêng Malaysia là luôn phải bảo quản lạnh và giá cả khá cao, trong khi sầu riêng Thái Lan không hẳn là không có vấn đề về chất lượng. Nếu tận dụng được lợi thế về khoảng cách địa lý, giúp giảm bớt giá thành và đảm bảo được chất lượng, sầu riêng Việt có thể chinh phục người tiêu dùng tại đây.
Hồi đầu tháng 9, Trung Quốc đã công bố danh sách 51 mã số vùng trồng và 25 cơ sở đóng gói của Việt Nam đạt tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch sang nước này. Việt Nam là quốc gia thứ 3 tiếp theo Thái Lan và Malaysia được Trung Quốc mở cửa thị trường sầu riêng. Như vậy, sau 4 năm vắng bóng, sầu riêng Việt đang đứng trước cơ hội quay trở lại thị trường Trung Quốc một cách đầy ngoạn mục dựa trên kinh nghiệm thành công của thanh long tại quốc gia này.
Bích Thuận – Tuấn Đạt / VOV Bắc Kinh
Mời quý vị xem các tin tức trong nước đã phát sóng tại đây./.