Siết thời gian lái xe ban đêm: Làm sao để khả thi?
Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trên 11.000 vụ TNGT xảy ra trong năm 2022, số vụ TNGT xảy ra vào ban đêm chiếm chủ yếu, trong đó có 40,33% số vụ xảy ra từ 16 giờ đến 22 giờ và 18,24% số vụ xảy ra từ 22 giờ hôm trước đến 4 giờ hôm sau. Do đó, nhiều tài xế bày tỏ đồng tình với quy định siết chặt thời gian lái xe vào ban đêm.
Có ý kiến cho rằng, việc siết thời gian làm việc của lái xe vào ban đêm về cơ bản sẽ giúp giảm thiểu TNGT. Tuy vậy, đề xuất điều chỉnh thời gian lái xe liên tục không quá 3 giờ như trên sẽ nảy sinh một số bất cập...
Đại diện Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho rằng, cần cân nhắc thí điểm đề xuất này trước khi đưa vào luật. Bởi, hiện nay, để giám sát được thời gian của các lái xe vẫn còn nhiều lỗ hổng.
Thực tế, mỗi một lĩnh vực vận tải có những đặc thù riêng, việc quy định thời gian lái xe chung cho tất cả các lĩnh vực sẽ không phù hợp mà nên có những quy định riêng phù hợp với thực tiễn. Việc tham khảo các kinh nghiệm quốc tế cũng cần được tính đến để đảm bảo các quy định mới được đưa ra phù hợp với thực tiễn hoạt động, có tính khả thi cao, đảm bảo quyền lợi cho nhiều đối tượng chịu tác động.
Từ 22h tối hôm trước đến 6h sáng hôm sau là khung giờ thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông, mà phần lớn xuất phát từ nguyên nhân các vụ việc tài xế mệt mỏi, mất tập trung, ngủ gật. Đề xuất hạn chế lái xe liên tục vào ban đêm mà Bộ GTVT đặt ra có cơ sở và mục tiêu nhân văn. Mặc dù vậy, trong bối cảnh các quy định hiện hành còn chưa được giám sát và thực hiện nghiêm túc, chắc chắn những quy định mới (nếu được thông qua) sẽ cần phải hội tụ các điều kiện để khi Luật đi vào thực tiễn đời sống được khả thi.
Thực hiện: Thu Hương – Lê Thanh – Trọng Khánh