Đối với ngành văn hóa, ứng dụng công nghệ số trong quản lý, bảo tồn giá trị các di sản văn hóa đã không còn là xu hướng, mà thực tế đang là một cách làm hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý của các cơ quan Nhà nước, đồng thời tăng cường hiệu quả quảng bá, phát huy giá trị các di sản trong đời sống hiện nay.
Máy chiếu công nghệ mapping quét những mảng màu, mảng hình lớn lên nhà Thái Học ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Trên tường công trình này hiện lên những hình ảnh Văn Miếu trong quá khứ, khi những tấm bia tiến sĩ còn chưa có mái che, hình rồng bay lượn và quá trình phát triển của công trình di sản này… rất nhiều câu chuyện về đạo học đã được tái dựng qua hình ảnh 3D Mapping.
Không chỉ riêng Văn Miếu – Quốc Tử Giám, mà rất nhiều nơi đã ứng dụng công nghệ chuyển đổi số này. Theo các nhà chuyên môn, việc áp dụng công nghệ này rất thích hợp với công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Khi số hóa, công nghệ cho phép tích hợp âm thanh, hình ảnh, đặc biệt là âm thanh nổi và hình ảnh 3 chiều rất sống động, thu hút. Thêm vào đó, các di sản bao gồm cả vật thể và phi vật thể ở dạng số hóa có thể được quảng bá rất nhanh chóng thông qua mạng internet, không bị giới hạn về thời gian, địa điểm, ngôn ngữ.
Trong thời đại công nghệ ngày nay, việc áp dụng đồng thời các giải pháp kỹ thuật cổ truyền và khoa học công nghệ hiện đại góp phần lưu giữ yếu tố gốc, giữ được cơ sở dữ liệu quan trọng của quá khứ nhằm bảo tồn và khai thác giá trị di sản một cách căn cơ, có trách nhiệm vì sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Do đó, chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch trong chặng đường kế tiếp.
Việc số hóa di sản có ý nghĩa quan trọng đối với việc bảo vệ, bảo tồn, trùng tu, nghiên cứu và phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể bởi công nghệ số sẽ thực sự là “cây cầu” kết nối các thế hệ trong việc bảo tồn lưu giữ di sản của cha ông.
Thu Hương - Trọng Khánh - Quốc Hùng
Mời quý vị xem các Tin tức trong nước đã phát sóng tại đây./.