Sôi động không gian âm nhạc Tây Nguyên giữa lòng Thủ đô
Sôi động, lôi cuốn, không thể “cưỡng” lại – là cảm nhận chung của những du khách khi được trực tiếp tham gia “bữa tiệc” âm nhạc của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên tại Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam.
Không cầu kỳ là một sân khấu hoành tráng, từ cách bài trí không gian đến phong cách biểu diễn, giao lưu với khán giả đều mộc mạc và chân tình, nhưng vẫn tạo được sự kết nối vô hình, khiến mỗi du khách đến đây không thể ngồi yên.
Âm nhạc Tây Nguyên là những giai điệu phản ánh chân thực các hoạt động đời sống, lao động sản xuất, nét văn hóa riêng biệt của đồng bào dân tộc các tỉnh Tây Nguyên. Điểm nhấn là không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là "Kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể, truyền miệng của thế giới" được đồng bào nơi đây đã sáng tạo ra từ chính quá trình lao động, sản xuất của mình. Đó là tiếng T'rưng, Klang Khok, Reng Reo, Ting Gling réo rắt trên nương rẫy...; tiếng đàn Ting Ning, Brook Ot, Brook Dông, Đinh Tút, Ding Jơng hay sáo thầm thì, tình tứ trong những đêm trăng...; tiếng K'long Pút giục giã, gọi mời trong đêm giã gạo...
Đến Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam, du khách sẽ được trực tiếp giao lưu với những nghệ nhân đồng bào Tây Nguyên, những người chấp nhận xa quê, sinh sống và làm việc tại Thủ đô, không vì điều gì khác ngoài tình yêu và tự thấy có trách nhiệm trong việc bảo tồn và lan tỏa những giá trị văn hóa Tây Nguyên đến với đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Với họ, bảo tồn và phát huy những giá trị của âm nhạc Tây Nguyên cũng chính là hành trình bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.
Đưa âm nhạc đến gần hơn với công chúng, du khách là cách làm hiệu quả đang được đồng bào nơi đây tận tâm thực hiện, góp phần bảo tồn âm nhạc dân gian. Với những nghệ sĩ dân gian này, chỉ cần mỗi khi họ cất lên lời ca tiếng nhạc có thể khiến mỗi du khách phải nhảy múa theo, là niềm vui và nhiệt huyết sẽ không bao giờ tắt, là sức sống của âm nhạc Tây Nguyên sẽ sống mãi với thời gian./.
Thực hiện: Vũ Đào – Anh Dũng