Đến nay, nhiều nông dân đã xây dựng mô hình mận theo hướng VietGAP, hữu cơ. Một trong số đó có mô hình trồng mận hữu cơ của anh Nguyễn Đình Thuận ở tiểu khu 12, thị trấn Mộc Châu, huyện Mộc Châu.
Khó khăn về nguồn nước, giao thông của Mu Náu đã không khiến anh Thuận nản chí, năm 2013 sau khi tiếp nhận vườn mận từ bố mẹ, anh đã xây các bể chứa nước và kéo đường ống nước dài gần 3 cây số để về tưới cho 700 cây mận đã 20 tuổi của gia đình.
“Đất không phụ công người”, đến nay, sau gần 10 năm nỗ lực cải tạo đất, anh Thuận hiện đã có 5ha mận, trong đó 2,5ha đang cho thu hoạch. Theo anh Thuận, nếu chăm sóc tốt, đúng quy trình và thời tiết thuận lợi, không bị mưa đá, sương muối, sâu bệnh, mỗi năm sẽ cho thu hoạch từ 45 tấn đến 60 tấn quả, thậm chí có thể đạt 100 tấn nếu thu hoạch triệt để; với giá bán dao động từ 15.000 đồng đến 50.000 đồng/1kg, mỗi năm sẽ mang lại thu nhập cho gia đình anh hàng tỷ đồng, trừ chi phí thu lãi đến 700 triệu đồng.
Để đảm bảo công việc trồng, chăm sóc, thu hoạch mận, anh Thuận thuê từ 20 đến 30 lao động thời vụ và từ 5 đến 7 lao động thường xuyên với mức thu nhập trung bình 5,4 triệu đồng/người/tháng, ngoài ra, tại nơi sản xuất của gia đình anh cũng chăm lo chỗ ăn, ngủ cho lao động.
Có thể nhận thấy, hiện nay, các sản phẩm nông nghiệp sản xuất hữu cơ đang chiếm được niềm tin của người tiêu dùng trong và ngoài nước. Dù dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng lớn đến nền sản xuất kinh doanh ở nước ta, song việc tiêu thụ sản phẩm hữu cơ vẫn đang được người tiêu dùng lựa chọn. Do vậy việc phát triển mô hình sản xuất mận như của gia đình anh Nguyễn Đình Thuận không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao mà còn tạo ra nông sản an toàn, góp phần cải tạo, bảo vệ môi trường.
Tuấn Long / VOV Đông Bắc
Mời quý vị xem các tin tức trong nước đã phát sóng tại đây./.