SỬA ĐỔI LUẬT HÓA CHẤT: KHẮC PHỤC NHỮNG BẤT CẬP, VƯỚNG MẮC KHÔNG CÒN PHÙ HỢP VỚI TÌNH HÌNH THỰC TẾ
Thảo luận tại hội trường, các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo làm rõ thêm định nghĩa về hóa chất mới, tiêu chí xác định những loại hóa chất nào là loại hóa chất mới. Liên quan đến quy định hóa chất đặc biệt, hóa chất cấm, hóa chất nguy hiểm, một số ý kiến đề nghị rà soát đánh giá, có quy định chặt chẽ về các loại hóa chất này.
Đối với các hành vi bị nghiêm cấm, một số đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần quy định chặt chẽ việc một số tổ chức, cá nhân sử dụng khí NO2 gây ảnh hưởng đến sức khoẻ con người.
Về đảm bảo an toàn môi trường cho cộng đồng, đại biểu Trần Thị Thanh Hương, đoàn An Giang nêu ý kiến, nên khuyến khích đầu tư nghiên cứu, ứng dụng các loại hóa chất ít độc hại cho môi trường và sức khỏe con người, hướng tới tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn; thúc đẩy sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học.
Giải trình làm rõ ý kiến đại biểu về quản lý hoạt động hóa chất, nhất là hóa chất độc hại, cần kiểm soát đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, thời gian tới, Cơ quan soạn thảo sẽ phối hợp với Cơ quan quản lý các lĩnh vực sử dụng hóa chất tiếp tục nghiên cứu, đánh giá rủi ro có thể phát sinh từ khâu sử dụng và đánh giá chi tiết tác động chính sách để đề xuất các giải pháp, quy định quản lý các loại hóa chất độc hại, hóa chất đặc biệt nguy hiểm, bảo đảm chặt chẽ hiệu quả.
Trước đó, đầu giờ chiều nay, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023” và Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).
Thực hiện: Thu Hương – Quốc Hùng