Sửa đổi Luật Nhà ở tránh xung đột với các luật hiện hành
Cho ý kiến về phạm vi điều chỉnh của Dự án luật, các đại biểu cho rằng, dự thảo luật nhà ở có liên quan đến nhiều luật như luật đất đai, luật đấu thầu, luật kinh doanh bất động sản... Do đó, ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu đối chiếu với các dự thảo luật để đảm bảo tính tương thích. Đối với quy định lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở, có ý kiến cho rằng, việc lựa chọn chủ đầu tư dự án áp dụng theo quy định của rất nhiều luật, mỗi một luật điều chỉnh một nội dung khác nhau. Tùy thuộc từng dự án đầu tư có sử dụng đất sẽ có phương thức lựa chọn chủ đầu tư tương ứng.
Cùng quan điểm với các đại biểu đã nêu, có ý kiến đề nghị cần rà soát lại tính tương đồng của các luật như Luật Đất đai; nội dung quy định về bồi thường hỗ trợ tái định cư và xác định giá đất, đề nghị nên theo quy định của Luật Đất đai để khi luật ban hành không bị mâu thuẫn, chồng chéo các luật khác.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng nhận định, khái niệm nhà ở quy định như trong dự thảo là chưa tiếp cận được thực tiễn cuộc sống. Bởi, hiện nay ngoài nhà cố định trên mặt đất còn có nhà trên mặt nước, nhà trên không gian cây cối, nhà lưu động... trong Dự thảo luật lại chưa nhắc đến những khái niệm này. Bên cạnh đó, quy định về xây dựng, phê duyệt, điều chỉnh chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; quy định về giai đoạn đầu tư xây dựng dự án nhà ở vẫn còn chung chung, chưa cụ thể.
Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước để tránh bị lợi dụng sơ hở như trong việc bố trí quỹ đất; xây dựng nhà ở xã hội; ưu đãi chủ đầu tư nhà ở xã hội; đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội; nhà lưu trú công nhân; vấn đề chuyên gia, người lao động nước ngoài trong nhà lưu trú công nhân bố trí trong khu công nghiệp. Cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra rà soát các quy định trong dự thảo luật để bảo đảm chặt chẽ và có cơ chế kiểm soát phù hợp./.
Thực hiện: Thu Hương – Quốc Hùng