Video Tin trong nước

Sửa đổi Luật Việc làm khắc phục hạn chế, bất cập, đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 27/11, thảo luận ở hội trường về dự án Luật Việc làm (sửa đổi), các đại biểu đề nghị hoàn thiện chính sách về việc làm, đảm bảo quản trị thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững và hội nhập
09:53 - 28/11/2024

SỬA ĐỔI LUẬT VIỆC LÀM KHẮC PHỤC HẠN CHẾ, BẤT CẬP, ĐÁP ỨNG YÊU CẦU PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC

Luật Việc làm (sửa đổi) xuất phát từ yêu cầu thể chế hóa Hiến pháp năm 2013, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, thị trường lao động, cải cách chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Đồng thời, đáp ứng yêu cầu về nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực việc làm, kịp thời ứng phó, thích ứng trong bối cảnh già hóa dân số, cách mạng công nghiệp 4.0, giải quyết các vấn đề liên quan việc làm bền vững, quản lý nguồn lao động. 

Quan tâm đến chính sách Nhà nước về việc làm, nhất là đối với người cao tuổi, trong bối cảnh già hóa dân số ngày càng tăng, một số ý kiến cho rằng, việc khuyến khích người cao tuổi còn khả năng lao động tham gia vào thị trường lao động là một giải pháp cần thiết. 

Liên quan đến mức hưởng trợ cấp thất nghiệp, đại biểu Huỳnh Sang (đoàn Bình Phước) đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát lại quy định này trong dự thảo, bởi hiện nay, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng chỉ bằng 60% mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng đã đóng bảo hiểm thất nghiệp gần nhất trước khi thất nghiệp, tối đa không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng. 

Nhấn mạnh chủ trương phát triển thị trường lao động và nâng cao chất lượng lao động để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội là phù hợp với quy luật phát triển của xã hội, đã được định hướng tại nhiều Nghị quyết của Đảng, chương trình, kế hoạch của Chính phủ. Do đó, các đại biểu đề nghị cần có quy định về hệ thống dữ liệu thông tin về thị trường lao động.

Đối với chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên, đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm (đoàn Sóc Trăng) cho rằng, quy định các chính sách như trong dự thảo còn khá chung chung, điều kiện và nội dung hỗ trợ đào tạo nghề gắn với tạo việc làm cho thanh niên chưa thiết thực. Quy định như vậy với thanh niên không có sự khác biệt so với các đối tượng khác, chưa thể hiện được tầm quan trọng của thanh niên là lực lượng lao động đặc biệt.

Ngoài ra, có ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung thêm đối tượng là thanh niên người dân tộc thiểu số vào các đối tượng được thụ hưởng.

Tại nghị trường, các đại biểu cũng góp ý kiến về chính sách tín dụng, phân bổ nguồn vốn, giải quyết việc làm của Trung ương và địa phương, chính sách dạy nghề cho người khuyết tật; quy định bắt buộc về trách nhiệm đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, quy định hỗ trợ tất cả các hộ nghèo, cận nghèo, xã đặc biệt khó khăn trong cả nước đều được hỗ trợ vay vốn…

Trước đó, đầu giờ sáng nay, với tỷ lệ tán thành cao, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật phòng không nhân dân, Luật Công đoàn (sửa đổi), thông qua Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035./.

Thực hiện: Thu Hương – Quốc Hùng