Khi phát động phong trào thi đua ái quốc, năm 1948, Chủ tịch HCM ký sắc lệnh số 207 cử đồng chí Hoàng Đạo Thúy- Nguyên Cục trưởng Cục Quân huấn về làm Tổng Bí thư Ban vận động thi đua ái quốc Trung ương và Người đã tặng chiếc quạt này cho đồng chí Hoàng Đạo Thúy với lời dặn: “ Chú dùng chiếc quạt này để quạt cho phong trào lớn mạnh lên”. Kể từ đó cho đến nay, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, từ thời chiến đến thời bình, chiếc quạt đã luôn là biểu tượng “thổi” cho tinh thần, và tư tưởng thi đua ái quốc của Hồ Chủ tịch lớn mạnh lên.
Và kể từ đó, chiếc quạt này đã trở thành biểu tượng của phong trào Thi đua yêu nước.
Từ lời hiệu triệu về tinh thần thi đua ái quốc, nhiều phong trào thi đua đã phát triển rộng khắp, thực sự là động lực to lớn, góp phần vào thắng lợi của hai cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Điển hình là các phong trào thi đua: “Tuần lễ vàng”; “Bình dân học vụ”… đến “Cờ Ba nhất” trong quân đội; “Gió Đại Phong” trong nông nghiệp; “Sóng Duyên Hải” trong công nghiệp; “Hai tốt” trong giáo dục; “Ba sẵn sàng” và “Năm xung phong” trong thanh niên…
Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được các tầng lớp nhân dân quán triệt, khắc ghi, quyết tâm thực hiện cả trong thời chiến cho tới thời bình.
Đúng theo tinh thần của “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” của Hồ Chủ tịch: “Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kì giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên 1 chiến sĩ tranh đấu trên mặt trận: quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa” đã huy động sức mạnh của mọi tầng lớp nhân dân, biến tinh thần yêu nước trong trái tim, khối óc của mỗi con người thành những hành động, việc làm cụ thể, gây dựng nên những phong trào thi đua sôi nổi. Và cũng chính từ đây, nhiều cá nhân, tấm gương điển hình xuất hiện, góp phần vào thắng lợi chung của cả dân tộc trong công cuộc kháng chiến, kiến quốc./.
Thực hiện:Tiến Dũng – Trọng Khánh