Tác động mạnh nhất đó là dự báo xuất khẩu của Việt Nam sang Nga và Ukraine, đặc biệt là nhóm hàng nông sản, thủy sản năm nay sẽ sụt giảm, sau nhiều năm xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam sang 2 quốc gia này đã tăng trưởng mạnh mẽ từ năm 2016 – sau khi Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu có hiệu lực.
Không chỉ nguy cơ sụt giảm về kim ngạch, việc chi phí vận tải logistic tăng lên do ảnh hưởng xung đột chính trị giữa 2 quốc gia này cũng là điểm đáng lo ngại đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam trong thời gian này.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, các doanh nghiệp Việt Nam cần linh hoạt đa dạng hóa thị trường, tận dụng tối đa các ưu đãi trong 15 Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các nước. Lúc này, thị trường châu Âu là thị trường tiềm năng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam.
Cũng theo dự báo, năm 2022, Việt Nam sẽ có nguồn thu đáng kể từ xuất khẩu dầu thô khi tình hình nguồn cung dầu trên thế giới căng thẳng do các bên liên quan thực hiện các biện pháp cấm vận kinh tế.
Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn cũng thường xuyên cập nhật và phản hồi thông tin kịp thời đến các Hiệp hội ngành hàng, các nhà xuất khẩu nhằm giúp các doanh nghiệp hạn chế rủi ro và ứng phó kịp thời với biến động kinh tế, chính trị thế giới. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng thị trường sang các khu vực khác để bù lại đứt gẫy chuỗi cung ứng từ thị trường Nga và Ucraina.
Vũ Đào – Quốc Hùng
Mời quý vị xem các tin tức trong nước đã phát sóng tại đây./.