Những nghi lễ đón Tết tưởng chừng như đã biến mất, nhưng nay lại được tái hiện một cách sinh động qua 80 phiên bản tài liệu lưu trữ với nhiều tư liệu, hình ảnh minh họa về Tết nguyên đán trong cung đình. Những tài liệu này được trưng bày tại Triển lãm được lựa chọn ra từ khối Châu bản triều Nguyễn, lần đầu tiên được công bố, ghi chép lại một cách chân thực hoạt động đón Tết trang trọng trong hoàng cung.
Tết Nguyên đán dưới triều Nguyễn là môt dịp lễ lớn nhất trong năm. Theo các tài liệu cho thấy, ngay từ ngày mùng 1 tháng Chạp âm lịch, các vua Triều Nguyễn đã cho tổ chức lễ ban Sóc, tức là việc phân phát lịch của nhà vua cho các bá quan và hoàng thân quốc thích. Người dân cũng làm lễ nhận lịch tại địa phương của mình. Cũng vào thời điểm này nhà vua sẽ ấn định thời gian nghỉ Tết. Ngày cuối cùng của năm cũ là ngày được chào đón nhất. Sáng sớm hôm đó sẽ diễn ra lễ Tuế trừ tiễn năm cũ. Nghi lễ này được diễn ra vào lúc sáng sớm để tỏ lòng cung kính. Lễ xong, triều đình sẽ làm lễ dựng cây nêu. Nghi lễ này đến nay vẫn được gìn giữ. Dựng cây nêu là nghi thức đặc biệt trước thềm năm mới biểu tượng cho một năm mới sắp sang. Đến tối cùng ngày sẽ diễn ra lễ Trừ tịch và Lễ Thượng Tiêu với ý nghĩa tống tiễn hết điều xấu của năm cũ để đón những điều tốt đẹp trong năm mới.
Các nghi lễ đón Tết ở cung đình diễn ra long trọng. Nhiều nghi lễ, cách thức tổ chức và đón Tết xưa, đến nay đã bị mai một, nhưng đang được các nhà nghiên cứu tìm kiếm, phục dụng. Tận hưởng tiết xuân trong những ngày Tết nay, chúng ta vẫn cảm nhận được những nét gần gũi với Tết dân gian, một điểm nhấn và mãi là nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.
Thực hiện: Duy Hưng, Quốc Hùng
Mời quý vị xem các tin tức đã phát sóng tại đây./.