Việt Nam đã từng có những bộ phim truyền hình về đề tài học đường nổi tiếng song số phim điện ảnh về đề tài về học sinh, sinh viên dường như rất ít và chưa có phim nào thực sự chất lượng và tạo được dấu ấn. Lý giải thực tế này, các đạo diễn cho rằng phim điện ảnh học đường hiện nay chưa thể tiếp cận với đối tượng chính là các em học sinh, sinh viên vì nhiều lý do khách quan như việc bỏ thời gian ra rạp xem phim, khả năng tài chính, ít kịch bản hay thu hút giới trẻ…
Không ít nhà biên kịch thừa nhận viết về đề tài học đường là khó và khó hơn nữa là thuyết phục được các nhà sản xuất chịu mua và chịu đưa vào sản xuất. Ví dụ như Phim Thạch Thảo nếu như không có sự hỗ trợ của Nhà nước thì cũng khó mà sản xuất thành công. Thêm nữa, với phim đề tài về học trò, các đạo diễn thường có xu hướng chọn diễn viên trẻ đúng lứa tuổi học sinh vì mặt thể hiện cảm xúc, nhưng ngược lại, hiệu quả truyền thông, quảng bá không cao khi diễn viên chưa có tên tuổi. Đó cũng là hạn chế khi làm phim điện ảnh học đường. Tại LHPVN lần thứ 21, “Thạch Thảo” là bộ phim điện ảnh hiếm hoi về chủ đề học đường, đã được đón nhận rất nồng nhiệt từ các bạn học sinh, sinh viên. Phim đã chạm tới cảm xúc của người xem khi bộc lộ chân thật, có gì đó rất “đời” về tính cách của các học sinh thời nay.
Phim học đường hiện nay chưa nhiều phim nói lên được “tiếng nói” của người trẻ, mang hơi thở của thực tế cuộc sống, dẫn đến tình trạng chính đối tượng khán giả trẻ chưa đón nhận phim dành cho chính lứa tuổi của mình. Mặc dù còn nhiều khó khăn, song thị trường phim truyện điện ảnh có đề tài học đường rất đáng được khai phá khi đối tượng khán giả hay nói khác đi là “khách hàng” các sản phẩm điện ảnh hiện nay hầu hết là lứa tuổi sinh viên - học sinh, một lực lượng đông đảo trong công chúng xem phim.
Mời quý vị xem các bản tin Văn hóa - Du lịch đã phát sóng của Vietnam Journey tại đây./.