Chị Cúc Phương thường xuyên mua sắm trực tuyến. Thế nhưng, đã có không ít lần, sản phẩm nhận được khác xa với quảng cáo của người bán, hoặc không nhận được hàng đã đặt.
Chị Phương chỉ là một trong rất nhiều người tiêu dùng đang bị xâm phạm quyền lợi khi mua sắm trực tuyến. Dịch bệnh Covid-19 lây lan rộng, trong những thời điểm giãn cách hoặc tự điều trị bệnh, nhiều người tiêu dùng hầu như chỉ có thể mua sắm qua mạng. Và rất nhiều người đã trở thành “miếng mồi” cho những đối tượng có hành vi gian lận trong thương mại. Theo nhận định của các chuyên gia, tình trạng gian lận phổ biến là do các quy định pháp luật chưa đủ sức răn đe.
Theo đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, đơn vị này thường xuyên tổng hợp, phân tích thông tin để đưa ra các cảnh báo, hướng dẫn người tiêu dùng trong giao dịch mua sắm, đặc biệt là mua sắm trực tuyến trong mùa dịch. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan liên quan thanh, kiểm tra, xử lý các vi phạm. Tuy nhiên, sẽ cần những biện pháp cứng rắn hơn để bảo vệ hiệu quả quyền lợi người tiêu dùng.
Dịch bệnh diễn biến phức tạp, tình trạng hàng hóa bán trên các trang mạng xã hội cũng phức tạp theo. Trong khi chờ các cơ quan chức năng bảo vệ, người tiêu dùng cần trở thành “người tiêu dùng thông thái”, để tránh “tiền mất, tật mang”.
Vũ Đào – Quốc Hùng
Mời quý vị xem các tin tức trong nước đã phát sóng tại đây./.