Cho đến giờ, mặc dù con gái đã được lực lượng chức năng và Tổ chức Rồng Xanh giải cứu nhưng ông Nguyễn Văn Trọng (thôn Bách Kim, huyện Thạch Thất, TP. Hà Nội) vẫn không thể quên quãng thời gian đằng đẵng gần 6 năm trời sống trong lo sợ khi con ông bị lừa bán sang Trung Quốc. Khi đó, ông đã viết đơn gửi khắp nơi với hy vọng cứu con nhưng không có bất kỳ một hồi âm nào. Thậm chí, có những lúc ông Trọng nghĩ đã mất con vĩnh viễn.
Đại diện Bộ Công an cho biết, 2 năm trở lại đây, dịch Covid-19 bùng phát mạnh đã để lại những hệ quả tiêu cực, tội phạm mua bán người bất chấp thủ đoạn, tăng cường lợi dụng mạng xã hội để lừa bán nạn nhân.
Đáng chú ý, không chỉ có trẻ em mà cả người lớn cũng bị lừa bán từ các mối quan hệ trên mạng xã hội. Báo cáo toàn cầu về tình hình mua bán người năm 2020 cho thấy, trong số những người bị lừa bán thông qua quan hệ trên mạng xã hội thì có tới 69% là người trưởng thành.
Dịch Covid-19 cũng tác động tiêu cực đến việc làm, thu nhập của người dân, đặc biệt của phụ nữ, khiến họ dễ trở thành nạn nhân của mua bán người. Theo báo cáo của Liên hợp quốc, có 51% nạn nhân bị mua bán có hoàn cảnh kinh tế khó khăn và 29% trẻ em bị mua bán là do gia đình không êm ấm hoặc thiếu sự chăm sóc của cha mẹ.
Ngoài ra, việc các nước tăng cường kiểm soát biên giới trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 càng khiến thủ đoạn của tội phạm mua bán người có xu hướng tinh vi hơn, địa bàn hoạt động và mục đích mua bán người mở rộng hơn, khiến cho tình trạng mua bán người bị đẩy sâu vào trong bóng tối và gây nhiều khó khăn cho công tác đấu tranh triệt phá, giải cứu nạn nhân.
Vì vậy, nỗ lực quyết liệt trong thực hiện mục tiêu kép - vừa chống dịch, vừa ổn định và phát triển kinh tế, cùng với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng cho người dân về phòng, chống mua bán người – đây là những giải pháp quan trọng nhằm chặn đứng loại tội phạm mua, bán người trong giai đoạn hiện nay.
Thực hiện: Minh Quyên – Ngọc Toàn
Mời quý vị xem các tin trong nước đã phát sóng tại đây./.