TĂNG CƯỜNG XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI GIẢM ÁP LỰC TIÊU THỤ NÔNG SẢN CHÍNH VỤ
5 tháng đầu năm 2024, sản phẩm nông sản của Hà Nội tiếp tục là nhóm có mức tăng trưởng cao nhất trong 11 nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Hà Nội. Tuy nhiên, ngành công thương Thủ đô vẫn đang đối mặt với rất nhiều khó khăn trong hoạt động xuất khẩu nông sản, đặc biệt khi nhiều sản phẩm nông sản đang bước vào giai đoạn chính vụ. Đây hầu hết là các sản phẩm mùa vụ ngắn ngày, nếu không sớm có các giải pháp thương mại kịp thời sẽ khiến doanh nghiệp và người nông dân chịu thiệt hại nặng nề.
Không chỉ Hà Nội, hầu hết các doanh nghiệp, địa phương khác trong cả nước đang rất mong chờ vào các chương trình hỗ trợ xúc tiến thương mại từ Bộ Công Thương nhằm giảm tải áp lực tiêu thụ.
Theo đại diện Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, hiện cơ quan này đang đẩy mạnh chương trình kết nối giữa thương vụ Việt Nam ở các thị trường xuất khẩu chủ lực với các địa phương, kịp thời nắm bắt các yêu cầu và thay đổi chính sách, cũng như xu hướng tiêu dùng mới. Các doanh nghiệp, địa phương cần phối hợp chặt chẽ, nhanh chóng hoàn thiện yêu cầu theo hướng dẫn của Cục và các thương vụ để kịp thời nắm bắt, chớp cơ hội kết nối thành công với khách hàng quốc tế.
Nông sản là hàng hóa có tính chất mùa vụ cao. Đây là các sản phẩm có thời gian bảo quản rất ngắn. Nếu không được xử lý kịp thời, không có công nghệ bảo quản, kho lưu trữ thích hợp và không có nơi tiêu thụ thì sẽ hư hỏng, gây thiệt hại lớn. Trong khi hiện nay, cơ sở hạ tầng và các dịch vụ phục vụ thu hoạch, bảo quản, lưu trữ của các địa phương và doanh nghiệp vẫn còn yếu và thiếu. Do đó, nếu không có sự chuẩn bị tốt về khâu xúc tiến thương mại thì các doanh nghiệp sẽ đối mặt với áp lực lớn về tiêu thụ sản phẩm./.
Thực hiện: Vũ Đào – Trọng Khánh