Việt Nam nổi tiếng ở cả trong và ngoài nước với rất nhiều các sản phẩm nông sản đặc sản vùng miền. Đây chính là điểm thu hút người tiêu dùng, nhưng đồng thời cũng là điểm khiến những mặt hàng này dễ bị giả mạo thương hiệu. Điều này khiến các doanh nghiệp làm ăn chân chính không khỏi “đau đầu” tìm giải pháp bảo vệ thương hiệu cho các sản phẩm của mình.
Đơn cử như với sản phẩm mật ong – loại sản phẩm này được nuôi trồng tại rất nhiều địa phương trên cả nước. Trên thị trường hiện có hàng trăm loại mật ong được bày bán, nhưng để nhận biết đâu là sản phẩm chất lượng tốt, an toàn lại không hề dễ dàng với mỗi người tiêu dùng. Để tạo được điểm nhấn cho sản phẩm, có doanh nghiệp đầu tư vào mẫu mã, có doanh nghiệp lại đầu tư vào công nghệ để thu hút người tiêu dùng.
Cũng theo các nhà sản xuất, với những doanh nghiệp làm ăn chân chính, đầu tư bài bản, trên các sản phẩm đều gắn mã truy suất nguồn gốc để người tiêu dùng dễ dàng kiểm tra thông tin xuất xứ, chứng nhận chất lượng, tránh mua phải hàng giả, kém chất lượng. Đồng thời, hiện các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng tiêu dùng, nông sản trong nước thường xuyên được hỗ trợ tham gia các chương trình tập huấn, xây dựng quy trình quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại do Bộ Công Thương tổ chức – đây cũng là kênh kết nối người tiêu dùng với các doanh nghiệp sản xuất trong nước uy tín, tạo kênh mua sắm tin cậy cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, cũng theo đại diện Bộ Công Thương, bên cạnh sự hỗ trợ, vào cuộc của các bộ, ngành, các doanh nghiệp cũng cần chủ động xây dựng phương thức kinh doanh phù hợp với mỗi phân khúc khách hàng thân thiết để đảm bảo khách hàng truyền thống của doanh nghiệp luôn lựa chọn được sản phẩm chất lượng, tránh mua phải hàng giả, hàng nhái, vô hình chung gây mất niềm tin đối với người tiêu dùng./.
Thực hiện: Vũ Đào – Ngọc Toàn – Trọng Khánh – Anh Dũng