Video Tin trong nước

Tạo khác biệt trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn

Du lịch nông nghiệp, nông thôn ở nước ta ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ. Nhưng phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn cũng gặp phải không ít những khó khăn, làm sao để tạo nên sự khác biệt, thu hút hơn nữa du khách trong và ngoài nước.
16:11 - 04/10/2023

         Với đặc thù 97% dân số là đồng bào dân tộc Tày, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, xã Lâm Thượng (huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái) có những ưu thế rất lớn trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch trải nghiệm, sinh thái… Tuy làm du lịch cách đây không lâu, nhưng cộng đồng người Tày ở đây đã xây dựng được thương hiệu du lịch riêng cho vùng đất nguyên sơ này. Những câu chuyện văn hóa, những sản phẩm truyền thống, và cuộc sống bình dị của bà con đã tạo sức hút riêng cho Lâm Thượng.

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện cả nước có khoảng gần 500 mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn đang hoạt động. Đây được xem là nguồn lực quan trọng để đẩy mạnh phát triển nông thôn, đem lại việc làm, thu nhập cho người dân… Tuy nhiên, không ít mô hình còn mang tính tự phát, sao chép lẫn nhau, thiếu sự khác biệt, thiếu gắn kết…

Năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 263 phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Trong đó, lần đầu tiên du lịch nông thôn trở thành một Chương trình để chỉ đạo thực hiện đồng bộ, mang tính hệ thống trên cả nước gắn với xây dựng nông thôn mới. Đây được xem là những định hướng cụ thể để các địa phương xây dựng kế hoạch đánh thức tiềm năng du lịch nông nghiệp, nông thôn tại địa phương. 

Để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững, thời gian tới, người nông dân rất cần sự định hướng, đồng hành từ chính quyền địa phương và các đơn vị lữ hành. Bên cạnh đó là sự quyết tâm chung của cả cộng đồng cư dân trong ý thức tự thay đổi tư duy, từng bước chuyên nghiệp, sáng tạo hơn với mô hình kinh tế mới đầy tiềm năng này.

Thực hiện: Lê Liên – Trọng Khánh – Trọng Đại