Nguyễn Thanh Hằng, năm nay 37 tuổi, lập gia đình và định cư tại Bắc Kinh đã được hơn 10 năm. Khi chưa có dịch, năm nào Hằng cũng cùng chồng con về Việt Nam ăn Tết. Thế nhưng 3 năm nay, cô đã không thể thực hiện được điều này, mà chỉ có thể thăm hỏi cha mẹ qua điện thoại.
Hiện Hằng đang quản lý một khách sạn homestay ở ngoại ô, cách trung tâm Bắc Kinh khoảng 90km. Do đã chứng kiến cả ba cái Tết trong bối cảnh dịch Covid-19, hơn ai hết, cô hiểu rõ những quy định phòng dịch nghiêm ngặt tại đây, đặc biệt khi năm nay Tết Nguyên đán trùng với thời điểm tổ chức Thế vận hội mùa Đông.
Cô cho biết, năm nay các quy định chặt hơn. Nếu như trước đây khách đến khách sạn chỉ cần có mã sức khỏe, đo thân nhiệt, thì bây giờ toàn dân đều phải xét nghiệm Covid-19. Khách đến lưu trú cũng phải có kết quả xét nghiệm trong vòng 48h, khách sạn mới được tiếp đón. Bản thân Hằng và các nhân viên cũng phải xét nghiệm mỗi tuần một lần.
Mặc dù không về được Việt Nam, nhưng cái Tết đối với Hằng vẫn phải đầy ắp hương vị Việt. Hằng bảo, cô có thói quen Tết chuẩn bị đồ Việt vì mẹ chồng đã chuẩn bị đồ ăn Trung Quốc. Cô sẽ chuẩn bị bánh chưng, giò chả, nem chua và khi cận Tết sẽ cố gắng gói nem, vì những món ăn này cả nhà chồng cô ai cũng thích.
Như một lẽ tự nhiên, Hằng đã chuyển hóa nỗi nhớ nhà vào công việc hàng ngày. Ẩm thực Việt Nam xuất hiện ngay khi khách bước vào khu đón tiếp và cũng là khu vực phục vụ ăn uống của khách sạn. Đó có thể là những chiếc phin cà phê nhỏ xinh hay những món ăn Việt được xếp ở ngay trang đầu tiên của menu khách sạn.
Hằng chia sẻ, cô không chỉ muốn gìn giữ ẩm thực Việt trong gia đình, mà còn muốn giới thiệu đến khách Trung Quốc.
Vì luôn đau đáu hướng về gia đình ở Việt Nam, mà đến nay dù đã ở Bắc Kinh tới hơn 10 năm, cô vẫn chưa có thẻ cư trú dài hạn: “Chưa có dịch em thường về VN 2 lần, ở khoảng 3 tháng. Thời gian của em ở Việt Nam và TQ như nhau. Em về Việt Nam thì con em có thể học mẫu giáo để cháu có thể bổ túc thêm tiếng Việt. Vì thế cho nên bây giờ em vẫn chưa có thẻ Xanh.”
Một mùa Xuân mới lại về, Hằng chỉ có một mong mỏi, dịch sớm kết thúc để cô lại được tham gia Tết cộng đồng do Đại sứ quán tổ chức, lại được về Việt Nam đón Tết cùng cha mẹ, người thân, để cậu con trai 10 tuổi của cô được giao tiếp bằng tiếng Việt nhiều như những năm chưa từng có dịch bệnh.
Bich Thuận/VOV Bắc Kinh
Mời quý vị xem các tin tức quốc tế đã phát sóng tại đây./.