Thổ Nhĩ Kỳ: Thách thức thu dọn hàng trăm triệu tấn đổ nát sau thảm họa động đất
Sau trận động đất kinh hoàng nhất trong lịch sử hiện đại, Thổ Nhĩ Kỳ phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là xử lý hàng trăm triệu tấn gạch vụn, một số trong đó có khả năng gây hại.
Nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ cho biết trận động đất và dư chấn ngày 6/2 đã khiến ít nhất 156.000 tòa nhà bị sập hoàn toàn hoặc hư hại đến mức cần phải phá dỡ, toàn bộ khu vực ở nhiều thành phố bị ảnh hưởng chỉ còn bê tông và thép đổ nát.
Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) cho biết, khối lượng gạch vụn là 116-210 triệu tấn, tương đương với diện tích 100 km2 nếu được xếp chồng lên nhau ở độ cao 1 mét.
Bà Louisa Vinton, Đại diện của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), cho biết, phạm vi của thách thức gần như vượt quá tầm hiểu biết.
Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc cũng cho biết, thảm họa động đất vừa qua đã tạo ra lượng gạch vụn nhiều gấp hơn 10 lần so với trận động đất lớn gần đây nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ xảy ra năm 1999.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã cam kết xây dựng lại nhà cửa trong vòng một năm, trong khi các chuyên gia cảnh báo cần đảm bảo tính an toàn trên hết khi thực hiện tái thiết.
Ở nhiều thành phố, các đội cứu hộ đã rút, thay vào đó là hàng nghìn xe tải và máy xúc cào hàng núi bê tông. Các công nhân tại thành phố Antakya, tỉnh Hatay, cho biết, có thể mất vài ngày để dọn sạch đống đổ nát của một tòa nhà.
Phần lớn đống đổ nát đã được dọn đến các bãi rác tạm thời gần đó, gây lo ngại về ô nhiễm. Trong đó có nguy cơ cho rằng vật liệu xây dựng cũ có thể chứa amiăng, một vật chất gây ung thư bị cấm ở nhiều quốc gia. Thứ trưởng Bộ Môi trường Thổ Nhĩ Kỳ Mehmet Emin Birpinar cho biết các hệ thống khử bụi đang được sử dụng để ngăn chặn các chất độc hại như amiăng phát tán./.