Gần 21h đêm trên phố Đội Cấn, dưới ánh đèn vàng vọt hắt xuống con đường thưa thớt người qua lại do giãn cách xã hội, chị Nguyễn Thanh Vân, Tổ trưởng sản xuất Tổ Môi trường số 8, Công ty Môi trường Đô thị Hà Nội (URENCO) và các đồng nghiệp vẫn cần mẫn với công việc của mình. Thông thường ca làm việc bắt đầu từ 17h đến khi rác được thu gom hết và chở đi xử lý, tức là có thể kết thúc 11,12h đêm hoặc 3,4 giờ sáng hôm sau.
Những ngày Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, ngoài việc thu gom rác thải tại các khu dân cư, trên đường phố, những công nhân vệ sinh môi trường cũng có mặt tại những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao: khu cách ly tập trung, bệnh viện, khu dân cư phong tỏa… để thu gom rác. Tại địa bàn chị Vân phụ trách cũng có một khu vực dân cư với nhiều ca F0, F1 bị phong tỏa.
Với những khu vực bị phong tỏa, việc thu gom rác phức tạp hơn nhiều, quy trình thu gom chia làm 2 vòng xử lý, vòng 1 dành riêng cho khu vực có các đối tượng F0 do đơn vị xử lý chất thải độc hại (U13) tiếp xúc và xử lý riêng, vòng 2 là vòng ngoài, tức là khu vực hạn chế người dân, cũng là khu vực do những công nhân môi trường như trong tổ của chị Vân đảm nhiệm. Nếu các y bác sỹ là những chiến sĩ áo trắng cứu chữa bệnh nhân, thì các công nhân môi trường không khác gì những “chiến binh áo xanh” bảo vệ môi trường sạch sẽ để phòng chống dịch bệnh.
Dù làm việc trong môi trường nguy hại, chế độ đãi ngộ lại không cao, nhưng “những chiến binh áo xanh” vì môi trường này luôn vui vẻ và tự hào về nghề của mình, lấy thành quả công việc làm niềm vui.
Luôn sẵn sàng có mặt tại những điểm nóng về dịch bệnh lẫn rác thải, cần mẫn ngày đêm làm sạch cảnh quan đô thị, những công nhân môi trường, với những đóng góp thầm lặng mà thiết thực, xứng đáng là “những chiến binh áo xanh” trong công cuộc phòng chống và đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.
Thực hiện: Anh Vũ – Trọng Khánh
Mời quý vị xem các tin tức đã phát sóng tại đây./.