Thành cổ Quảng Trị gợi nhắc đến ký ức hào hùng của 81 ngày đêm lịch sử năm 1972. Khi ấy, nơi đây, hàng ngàn, hàng vạn chiến sĩ quân giải phóng đã ngã xuống để bảo vệ cho thành trì quan trọng này. Các anh nằm xuống, nhưng không có nấm mồ nào cho riêng mình. Chỉ có một nấm mồ chung, ngôi mộ tập thể là Đài tưởng niệm trung tâm, trên trục đường định mệnh nối liền Thành cổ với dòng sông Thạch Hãn.
Ở giữa ngôi mộ là nơi đặt hành trang người lính. Đó là những vật dụng rất đỗi giản dị, thân thương đồng hành cùng chiến sĩ trên hành trình làm nên lịch sử hào hùng. Chỉ trong 81 ngày đêm, đế quốc Mỹ đã dội xuống mảnh đất này 320.000 tấn bom đạn, tương đương 7 quả bom nguyên tử mà thành phố Hirosima, Nhật Bản phải hứng chịu năm 1945.
Nhưng sự tàn khốc đó không khuất phục được ý chí kiên cường và lòng sục sôi chiến đấu của những người lính đang ở độ tuổi đôi mươi. Các anh đã hi sinh máu xương của mình cho màu xanh của hòa bình. Để rồi hôm nay, mỗi người con đất Việt đến đây lại mang theo những cảm xúc bồi hội, xúc động.
Ngày nay, Thành cổ Quảng Trị trở thành công viên lớn, nơi cuộc sống thanh bình diễn ra. Nhưng phía dưới lớp đất yên bình, phía dưới màu xanh tươi tốt của cỏ cây, là máu xương và tuổi xuân của những người chiến sĩ đã ngã xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc.
Hàng ngàn, hạng vạn người lính nằm lại ở mảnh đất này, nghĩa là, hàng ngàn, hàng vạn gia đình mất đi người thân. Những câu chuyện về ý chí hào hùng, sục sôi ý chí chiến đấu của các anh là những câu chuyện cảm động mà mỗi người tới đây lại dâng trào cảm xúc, xen lẫn cả niềm tự hào, và lòng biết ơn vô hạn trước những hi sinh cao cả của những anh hùng.
Thành cổ Quảng trị đã trở thành Di tích quốc gia đặc biệt, là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước và là điểm thu hút du khách tham quan trong nước và bạn bè quốc tế. Đến với Thành cổ là cuộc hành trình ngược trở về quá khứ, để trân trọng những hi sinh của những người đã ngã xuống cho hòa bình hôm nay.
Thực hiện: Huyền Trang – Hoàng Thuyên
Mời quý vị xem các tin tức đã phát sóng tại đây./.