Video Tin trong nước

Thay đổi phương thức tuyển sinh để giải quyết bài toán “lạm phát” điểm đại học

Tương tự như mùa tuyển sinh trước, điểm chuẩn vào nhiều trường đại học năm nay tăng mạnh khiến nhiều thí sinh dù đạt 9 điểm/môn vẫn trượt nguyện vọng 1. Tại sao lại có tình trạng này và làm thế nào giải quyết được tình trạng “lạm phát” điểm Đại học?
18:57 - 04/10/2022

Mùa tuyển sinh năm nay, tại nhiều ngành đào tạo, thí sinh phải đạt mức điểm gần tuyệt đối mới có cơ hội trúng tuyển. Chẳng hạn, tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, 3 ngành có điểm chuẩn cao nhất là: Hàn Quốc học, Đông phương học và Quan hệ công chúng đều là 29,95 điểm. Kế tiếp là ngành Báo chí với 29,90 điểm. Một số ngành của các trường đại học khác cũng có điểm chuẩn cao gần chạm ngưỡng 30 như ngành Luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội lấy điểm chuẩn là 29,5 điểm; chuyên ngành Trung Quốc học, Học viện Ngoại giao có điểm chuẩn 29,25 điểm...

Các mức điểm này đồng nghĩa thí sinh phải đạt gần 10 điểm/môn mới có thể trúng tuyển, chứ 9 hay 9,5 điểm thì vẫn trượt.

Các chuyên gia cho rằng, không có nền giáo dục nào, mỗi môn gần 10 điểm vẫn trượt đại học, đồng thời điểm chuẩn xét tuyển vượt ngưỡng tối đa như mùa tuyển sinh Đại học tại Việt Nam năm nay. Tình trạng “lạm phát” điểm xét tuyển Đại học cho thấy những bất cập trong khâu ra đề thi và phương thức tuyển sinh.

Thực tế các kỳ tuyển sinh Đại học những năm gần đây cho thấy, ở những trường Đại học, ngành tuyển sinh bằng kỳ thi riêng, không còn phụ thuộc 100% vào kỳ thi tốt nghiệp THPT đã kiểm soát được mức độ lạm phát điểm chuẩn. Do đó, việc thay đổi phương thức tuyển sinh, đa dạng hóa các hình thức xét tuyển được xem là giải pháp căn bản để giải quyết bài toán “lạm phát” điểm như hiện nay.

Thực hiện: Anh Vũ, Minh Quân

Mời quý vị xem các tin tức trong nước đã phát sóng tại đây./.