Thấy gì qua con số gần 120.000 thí sinh đỗ Đại học nhưng không đăng ký nhập học?
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong hơn một triệu thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm nay, có hơn 660.000 thí sinh đăng ký xét tuyển đại học. Trong số này, chỉ có gần 495.000 em đăng ký nhập học. Như vậy, khoảng 118.000 thí sinh từ bỏ cơ hội học đại học, chiếm tỉ lệ gần 20%.
Theo tính toán, hiện chi phí học nghề trung bình khoảng 10 triệu đồng/năm, học trong 2-3 năm. Còn học phí đại học dự kiến 12-50 triệu đồng/năm, tùy ngành, trường, với thời gian học lên tới 4 năm. Trong khi đó, theo số liệu của Tổng cục thống kê năm 2021, lao động trình độ trung cấp, cao đẳng kiếm khoảng 7 triệu đồng một tháng, còn đại học trở lên là 9,2 triệu đồng - không chênh lệch nhiều. Và tỷ lệ tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng ra trường kiếm được việc làm đúng ngành nghề luôn ở mức cao hơn bậc đại học. Do đó, giới trẻ dường như ngày càng thận trọng và có tính toán hợp lý hơn về cơ hội nghề nghiệp trong tương lai.
Theo nhiều chuyên gia, để tăng cơ hội tiếp cận nghề nghiệp phù hợp với khả năng và trình độ của học sinh, các trường THPT cần nâng cao hơn nữa vai trò của công tác phân luồng, hướng nghiệp để tránh tình trạng đỗ đại học “ảo” hiện nay.
Như vậy, việc hàng nghìn thí sinh trúng tuyển nhưng từ bỏ đăng ký nhập học không phải là xu hướng mới trong các kỳ tuyển sinh đại học những năm gần đây. Ở góc độ nào đó, điều này cho thấy hiệu quả ngày một rõ ràng hơn trong công tác phân luồng, định hướng nghề nghiệp, hạn chế tình trạng ồ ạt vào đại học với đa dạng các phương thức xét tuyển nhưng tỉ lệ thất nghiệp sau khi ra trường vẫn cao./.
Thực hiện: Anh Vũ - Quốc Hùng - Lê Hải