Mặc dù chỉ lưu lại 6 tháng, đến tháng 1/1924, nhưng quãng thời gian Người ở Liên Xô có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ đối với cuộc đời hoạt động cách mạng của Người mà cả với phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam.
Chiếc tàu thủy nhỏ đưa cả đoàn chúng tôi rời bến từ cảng Lớn Saint Petersburg để đi tới vịnh Gutuevsky, nơi cơ quan Quản lý cảng biển Baltic đã xác định được vị trí mà ngày 30/6/1923, người thanh niên Việt Nam Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc đã lần đầu tiên đặt chân tới. Đồng hành và hướng dẫn cho chúng tôi trong chuyến đi như trong mơ này là ông Aleksander Morozov - nhân viên cơ quan Quản lý cảng biển Baltic.
Chỉ sau khoảng 30 phút, tàu của chúng tôi đã đến vịnh Gutuevsky.
Ông Morovzov mang theo và cho chúng tôi xem một tờ giấy A4 copy hình ảnh con tàu Karlipnext, mà trên đó chở theo người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc sau 12 năm rời bến Nhà Rồng trên hành trình từ Paris (Pháp) qua Hamburg (Đức), đến với đất nước Liên Xô.
Theo GS.TSKH Vladimir Kolotov - Giám đốc Viện Hồ Chí Minh thuộc Đại học Tổng hợp Saint Petersburg (Nga), chuyến đi đến đất nước Liên Xô của Nguyễn Ái Quốc là bước ngoặt lịch sử đối với cách mạng Việt Nam.
Kể từ sau chuyến đi đến đất nước của Lenin trong lần đầu tiên vào ngày 30/6/1923, Nguyễn Ái Quốc còn trở lại Liên Xô trong các khoảng thời gian vào năm 1924, 1927, các năm 1934-1938, tổng cộng là hơn 6 năm để học tập và hoạt động trong phong trào quốc tế cộng sản. Từ đó, Người dần hoàn thiện cơ sở lý luận và thực tiễn, xác định đúng con đường đưa Cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi, giành độc lập tự do cho dân tộc.
Thực hiện: Anh Tú - Văn Thường/VOV Moscow
Mời quý vị xem các tin tức quốc tế đã phát sóng tại đây./.