THỜI THANH XUÂN CỦA TÂN NHẠC ÁI QUỐC
Tân nhạc Việt Nam là thuật ngữ được dùng để gọi những bài hát theo hình thức âm nhạc Tây phương do các nhạc sĩ người Việt sáng tác, xuất hiện vào cuối thập niên 1930, nhằm phân biệt với cổ nhạc , các hình thức âm nhạc dân gian truyền thống nói chung. Tân nhạc cũng như văn xuôi và Thơ Mới viết bằng chữ quốc ngữ; hội họa của các họa sĩ học trường Mỹ thuật Đông Dương hay tân văn để chỉ báo chí, cùng với rất nhiều thứ có từ tố “tân” hay “mới” trong tên gọi, đã tạo ra một không gian văn hóa mới và để lại ảnh hưởng trong suốt thế kỷ XX.
Nhà văn Nguyễn Trương Quý sinh năm 1977 tại Hà Nội. Anh được trao tặng Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2019 cho tác phẩm “Một thời Hà Nội hát - Tim cũng không ngờ làm nên lời ca". Các tác phẩm anh từng xuất bản đều viết về mảnh đất Thủ đô, nơi anh sinh ra và lớn lên, gồm: “Tự nhiên như người Hà Nội” (2004), “Ăn phở rất khó thấy ngon” (2008), “Hà Nội là Hà Nội” (2010); “Xe máy tiếu ngạo” (2012), “Còn ai hát về Hà Nội” (2013), “Mỗi góc phố một người đang sống” (2015), - Đều là những tản văn viết về con người và phố thị Hà Nội. Ngoài ra còn có tập truyện ngắn “Dưới cột đèn rót một ấm trà” (2013), du khảo “Một thời Hà Nội hát – Tim cũng không ngờ làm nên lời ca” (2018); “Hà Nội bảo thế là thường” (2020).
Cuốn sách “Thời thanh xuân của Tân Nhạc Ái Quốc” của nhà văn Nguyễn Trương Quý đưa độc giả về không khí thấm đẫm âm nhạc của Hà Nội một thời.
Nghiên cứu cũng khảo sát cuộc chuyển hóa của các tổ chức vốn dĩ gập ghềnh trước những vấn đề phân ly ý thức hệ xảy ra. Hà Nội là bối cảnh địa lý chính cho những hoạt động này diễn ra, và cũng mau chóng trở thành một chiến địa văn hóa khắc nghiệt trong suốt thập niên 1940 và cho đến tận những năm 1950 khi hòa bình lập lại ở miền Bắc. Cuối cùng, khi tập trung tìm hiểu các sản phẩm của Ban âm nhạc Tổng hội sinh viên Đông Dương với người đại diện là Lưu Hữu Phước, cũng như Văn Cao và nhóm Đồng Vọng cùng các hội đoàn văn hóa giáo dục trong thời điểm diễn ra tiến trình giành độc lập của một nước Việt Nam, nghiên cứu hướng đến việc làm sáng tỏ vai trò chính trị của hoạt động văn hóa giáo dục bên cạnh các cuộc đấu tranh vũ trang đã chi phối lịch sử mà số phận đất nước đã nếm trải.
Thực hiện: Hải Hà - Hoàng Thuyên - Huyền Phương