Thu phí cao tốc do nhà nước đầu tư: Liệu có phí chồng phí?
Thường xuyên đi công tác các tỉnh bằng xe cá nhân, cũng như quen với việc phải trả phí khi đi trên cao tốc, anh Nguyễn Đức Vũ (ở Cầu Giấy, Hà Nội) tán thành việc trả phí khi đi trên các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư.
Tuy nhiên, có không ít ý kiến bày tỏ băn khoăn về mức phí phải đóng và rất có thể xảy ra tình trạng “phí chồng phí”.
Trước những băn khoăn trên, Cục Đường bộ Việt Nam vừa trình Bộ Giao thông - Vận tải vừa đề xuất 2 mức thu phí khác nhau cho cao tốc do Nhà nước đầu tư, đó là: cao tốc đáp ứng quy chuẩn, tiêu chuẩn và cao tốc vào khai thác trước ngày 1/1/2025 mà chưa đáp ứng đầy đủ quy định quy định về phí sử dụng đường bộ cao tốc. Cụ thể, đối với đường cao tốc có bốn làn xe, mức phí thấp nhất là 1.300 đồng/km; cao nhất là 5.200 đồng/km; đường cao tốc có 4 làn xe trở lên mức phí thấp nhất là 1.500 đồng/km; cao nhất là 6.000 đồng/km. Với đường cao tốc đưa vào khai thác trước ngày 1/1/2025 mà chưa đạt chuẩn theo quy định có mức phí như sau: Cao tốc có 4 làn xe hạn chế, mức phí thấp nhất là 900 đồng/km, cao nhất là 3.600 đồng/km; đường cao tốc có 4 làn xe và làn dừng khẩn cấp liên tục, mức phí thấp nhất là 1.000 đồng/km, cao nhất là 4.000 đồng/km; đường cao tốc có 4 làn xe trở lên, mức phí thấp nhất là 1.100 đồng/km, mức cao nhất là 4.400 đồng/km. Các chuyên gia cho rằng, mức thu cần được nghiên cứu thận trọng, để đảm bảo hài hoà lợi ích cho người dân.
Về phương thức thu phí, có 2 hình thức thu phí, phương án 1 là Cục Đường bộ tự tổ chức thu. Khi đó, Cục Đường bộ sẽ tiến hành đấu thầu nhà thầu cung cấp dịch vụ thu phí trên nền tảng hệ thống hạ tầng thu phí. Phương án 2 là đấu thầu quyền thu phí. Nhà đầu tư thu phí và tiến hành bảo dưỡng, bảo trì luôn tuyến đường này. Tuy nhiên, đơn vị nào thu phí và thu trong bao lâu còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng mục tiêu cuối cùng là phải bảo đảm nguồn kinh phí để duy trì và phát triển hệ thống giao thông quốc gia một cách bền vững và hiệu quả.
Thời gian qua, Nhà nước đã đưa vào vận hành nhiều tuyến đường cao tốc, giúp rút ngắn khoảng cách, tiết kiệm thời gian, chi phí… tạo thuận lợi cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Vấn đề băn khoăn ở đây là tính minh bạch trong thu chi. Triển khai thu như thế nào để người dân thấy được con đường mà họ đang đi xứng đáng với mức phí mà họ phải trả. Và các khoản thu từ cao tốc này phải được đầu tư chính đáng, để Nhà nước có thêm nguồn lực cho việc duy tu bảo dưỡng và mở thêm các tuyến cao tốc mới./.
Thực hiện: Thu Hương – Quốc Hùng – Trọng Khánh