Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong các chính sách hỗ trợ phòng chống, giảm thiểu ảnh hưởng của dịch Covid-19 hiện chưa có chính sách nào của Nhà nước hỗ trợ thêm cho các đối tượng thuộc nhóm yếu thế. Do vậy cần tăng cường khả năng tiếp cận nguồn tín dụng, khuyến khích người sử dụng lao động chi trả đủ lương theo đúng quy định cho người lao động có hợp đồng bị ngừng việc. Trong trường hợp người sử dụng lao động không có khả năng chi trả lương thì khuyến khích họ cam kết hoặc thỏa thuận với từng lao động tạm ngừng, tạm hoãn hợp đồng và không hưởng lương, không đuổi việc người lao động. Sau thời gian rà soát, đa số các bộ, cơ quan trung ương đều thống nhất đề nghị thời gian hỗ trợ các chính sách là 3 tháng. Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng lưu ý phải nêu rõ từng khoản từ nguồn ngân sách Nhà nước, ngân sách Trung ương được phân bổ thế nào, các cấp ngân sách đều phải có trách nhiệm.
Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, đặc biệt là Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phải hướng dẫn cụ thể cho các địa phương, cơ quan liên quan triển khai thực hiện. Đặc biệt cần phải đưa thông tin một cách công khai, minh bạch để người dân biết; các cơ quan đoàn thể giám sát thực hiện, chống tiêu cực, tham nhũng, xử lý nghiêm các vi phạm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ cần phải tiết kiệm chi thường xuyên 10%, giảm chi hội nghị, hội thảo, giảm đi công tác nước ngoài, giảm lễ hội; bên cạnh đó có thể dùng nguồn tăng thu của năm 2019 và nguồn dự phòng năm 2020, cùng các nguồn hợp pháp khác để hỗ trợ cho người yếu thế bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.
Đây là gói đầu tiên mà Chính phủ đưa ra hỗ trợ toàn xã hội do vậy cần phải làm nhanh vì cuộc sống của người dân. Thủ tướng lưu ý không đưa đối tượng là người lao động ở nước ngoài về nước vào diện trợ cấp trong dịp này và không kéo dài thời gian hỗ trợ để tránh nẩy sinh tiêu cực. Những ý kiến tại cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều 5/4 sẽ được báo cáo lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong ngày 6/4.
Mời quý vị xem các Bản tin Văn hóa - Du lịch đã phát sóng của Vietnam Journey tại đây./.