Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, năm 2023 vượt qua nhiều khó khăn, ngành giao thông vận tải đã đạt được những kết quả quan trọng, đóng góp vào thành tựu chung của đất nước. Năm 2023 thực sự là năm có nhiều đột phá trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông với việc khởi công 26 Dự án, trong đó rút ngắn thời gian khởi công 06 Dự án quan trọng quốc gia 01 năm so với quy trình thủ tục thông thường và lần đầu tiên thực hiện khởi công đồng loạt theo hình thức trực tuyến Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 tại 12 điểm cầu của 12 dự án thành phần. Tổng số chiều dài đường bộ cao tốc đưa vào khai thác trên cả nước lên gần 1.900 km.
Công tác giải ngân vốn đầu tư công, vốn sự nghiệp kinh tế tiếp tục đáp ứng yêu cầu, mục tiêu đề ra. Năm 2023, Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ giao số vốn đầu tư công lớn nhất từ trước tới nay với hơn 94 nghìn tỷ đồng (gấp 1,7 lần so với năm 2022). Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, kết quả giải ngân của Bộ đến hết niên độ kế hoạch dự kiến đạt trên 95%.
Hoạt động vận tải tiếp tục giữ được đà tăng trưởng ổn định gắn với việc cắt giảm mạnh mẽ thủ tục hành chính, phí lệ phí, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Đến hết tháng 11/2023, sản lượng hàng hóa tăng 12,9%, luân chuyển hàng hóa tăng 10,5% so với cùng kỳ, sản lượng hành khách tăng 11,5%, luân chuyển hành khách tăng 23,9% so với cùng kỳ.
Đặc biệt về đột phá hạ tầng, công tác lập, triển khai quy hoạch thực hiện bài bản, khoa học. Bộ GTVT là một trong các bộ trình sớm nhất và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 5/5 quy hoạch ngành quốc gia.
Liên quan đến nhiệm vụ xây dựng chính phủ điện tử, chuyển đổi số, năm 2023, Bộ GTVT hoàn thành 06/06 chỉ tiêu và 23 nhiệm vụ Chính phủ giao về xây dựng chính phủ điện tử, chuyển đổi số; hoàn thành 04/04 nhiệm vụ tại Đề án 06, cung cấp 319 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 170 dịch vụ công toàn trình. Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, cổng dịch vụ công Bộ GTVT được xếp hạng A trong khối các bộ, ngành.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại hạn chế như công tác quản lý hoạt động vận tải vẫn còn bất cập; tình trạng xe dù, bến cóc, xe hợp đồng “trá hình” còn diễn ra ở nhiều địa phương. Việc thu hút nguồn vốn xã hội trong đầu tư phát triển KCHTGT còn hạn chế, chưa đáp ứng được kỳ vọng...
Ngay sau phát biểu của Bộ trưởng GTVT các đại biểu đại diện các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp, hiệp hội đã phát biểu thảo luận nhằm đánh giá những kết quả đạt được, các tồn tại, hạn chế, những khó khăn, vướng mắc, chia sẻ những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong triển khai nhiệm vụ; đồng thời, phân tích, dự báo bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế, đóng góp bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện, những kiến nghị, đề xuất giúp cho ngành Giao thông vận tải tiếp tục hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm 2024 nhằm thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, các mục tiêu, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 của Chính phủ./.
Thực hiện: Vũ Khuyên - Chí Phương