Video Tin trong nước

Thủ tướng yêu cầu ngành Nông nghiệp thích ứng linh hoạt, hiệu quả với tình hình mới

Chiều ngày 3/1 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai kế hoạch năm 2024 ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
15:04 - 04/01/2024

THỦ TƯỚNG YÊU CẦU NGÀNH NÔNG NGHIỆP THÍCH ỨNG LINH HOẠT, HIỆU QUẢ VỚI TÌNH HÌNH MỚI

Năm 2023 ngành Nông nghiệp đã đạt được những kết quả quan trọng trong đó, tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp 3,83%, cao nhất trong nhiều năm gần đây, đóng góp lớn vào mức tăng trưởng 5,05% của nền kinh tế trong đó: Nông nghiệp tăng 3,88%; thủy sản tăng 3,71%, lâm nghiệp tăng 3,74%.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu ngành nông nghiệp cần đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm hành động cao nhất để thích ứng linh hoạt, hiệu quả với bối cảnh, tình hình mới; khắc phục, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tranh thủ thời cơ, vận hội mới trong phát triển ngành nông nghiệp; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Thực hiện thắng lợi mục tiêu trong năm 2024 là tăng trưởng đạt từ 3,5-4%; Tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, nhất là 3 quy hoạch ngành quốc gia về phát triển lâm nghiệp, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và hệ thống cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão cho tàu cá. Đẩy mạnh xã hội hóa, phân cấp mạnh mẽ cho địa phương, đi đôi với phân bổ nguồn lực, tăng cường kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện; đơn giản hóa thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ để đầy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo 3 nhóm sản phẩm chủ lực, theo các ngành, lĩnh vực và cơ cấu lại sản xuất theo vùng; thực hiện hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Đề án "Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030". Tổ chức lại sản xuất, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả gắn với quá trình chuyển đổi số, kinh tế số; phát triển hệ thống hợp tác xã, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn; Làm tốt công tác dự báo cung cầu, thông tin về tình hình thị trường, kết nối giữa người sản xuất với người tiêu dùng, tranh thủ lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do, nhất là EVFTA, CTPPP để cơ cấu lại thị trường xuất khẩu, giảm sự phụ thuộc vào một số thị trường, tháo gỡ rào cản để thâm nhập thị trường mới, đồng thời coi trọng thị trường nội địa, có chiến lược đưa hàng hóa từ nông thôn về thành thị, xây dựng thương hiệu nông sản Việt…/.

Thực hiện: Vũ Khuyên - Chí Phương