Đây là tủ sách thư viện tại xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội. Bụi phủ mờ sách. Mặc dù đang trong giờ mở cửa song không thấy người nào đến đọc sách. Toàn bộ sách, tài liệu về các lĩnh vực: Chính trị, pháp luật, kỹ thuật... nằm im lìm trên giá. Đó cũng là thực trạng tại các địa phương hiện nay…
Việc phát huy văn hóa đọc tại các địa phương là rất cần thiết, góp phần nâng cao dân trí và đời sống tinh thần cho người dân, song hiện nay hệ thống thư viện huyện và tủ sách khối xã, phường cũng chỉ hoạt động cho có hình thức. Lượng bạn đọc đến với thư viện và tủ sách ít và không thường xuyên, chưa tạo được phong trào đọc sách trong nhân dân, đặc biệt là hệ thống tủ sách pháp luật khối xã phường. Vậy có nên duy trì hoạt động tủ sách như thế này ở khối xã phường nữa hay không?
Lý giải về vấn đề này, bà Vũ Dương Thúy Ngà, Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Sở dĩ hệ thống thư viện nông thôn không phát huy được hiệu quả hoạt động do kinh phí đầu tư hàng năm quá ít. Thậm chí có thư viện không được bố trí ngân sách bổ sung, nguồn tài liệu duy nhất trông chờ hoàn toàn vào sách chương trình mục tiêu và sách luân chuyển của thư viện tỉnh. Còn hoạt động của tủ sách ở tuyến xã phường thì phụ thuộc vào những người làm công tác thiện nguyện nên việc xây dựng mạng lưới tủ sách cơ sở còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở vật chất, trụ sở, trang thiết bị còn nghèo nàn.
Trong thời đại bùng nổ thông tin, trong khi các ấn phẩm thông tin, sản phẩm văn hóa phát triển từng ngày với nội dung phong phú, số lượng không ngừng gia tăng thì hệ thống thư viện cấp huyện và tủ sách tại các xã phường hầu như không có sự thay đổi đáng kể nào, tạo sự tụt hậu lớn so với thời đại. Bởi vậy, việc thu hút bạn đọc, giúp người dân tiếp thu và vận dụng tri thức trong sách, báo một cách thiết thực tại các thư viện nông thôn còn là mục tiêu rất xa./.
Mời quý vị xem các Bản tin Văn hóa - Du lịch đã phát sóng của Vietnam Journey tại đây./.