Trong thập kỷ qua, nhiều quốc gia đã tạo điều kiện để nhiều phụ nữ tham gia vào quá trình hoạch định chính sách đối ngoại, chú trọng nhiều hơn đến bình đẳng giới, cũng như vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong các hoạt động đối ngoại. Hiện nay, 22 quốc gia có người đứng đầu hoặc lãnh đạo chính phủ là nữ giới, 13 quốc gia có ít nhất 50% phụ nữ trong nội các.
Việc chia sẻ quyền lực một cách bình đẳng hơn giữa phụ nữ và nam giới là điều cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay đại dịch Covid-19 đã làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng giới, và LHQ cảnh báo rằng không châu lục nào có thể đạt được sự phát triển bền vững nếu phụ nữ vẫn bị đặt ở phía sau.
Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong công tác bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ và thể hiện những cam kết mạnh mẽ nhằm nâng cao vai trò của phụ nữ trong mọi lĩnh vực, trong đó có chính trị. Minh chứng mới nhất là việc thông qua và thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 và thành tích bầu cử Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 vào tháng 6/2021, khi mà tỷ lệ nữ đại biểu đạt trên 30%, tỷ lệ nữ đại biểu cao nhất trong Quốc hội kể từ nhiệm kỳ thứ 5 (1976-1981). Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức trong việc nâng cao nhận thức về sự bình đẳng giới.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đặt ra nhiều thách thức, việc thực hiện chính sách ngoại giao nữ quyền đã và đang góp phần nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, làm tiền đề cho sự phát triển bền vững trong tương lai.
Thực hiện: Anh Vũ – Quốc Hùng
Mời quý vị xem các tin trong nước đã phát sóng tại đây./.