“Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030” vừa được Chính phủ ban hành đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuyển đổi số để tận dụng những ưu thế của công nghệ, lan tỏa sâu rộng và toàn diện hơn hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.
Năm 2020 được coi là một bước ngoặt trong triển khai hoạt động ngoại giao văn hóa - năm nhìn lại tiến trình 10 năm xây dựng và triển khai chính sách, và là năm bản lề cho một thập niên tiếp theo: Hướng tới thập niên thứ hai triển khai hoạt động ngoại giao văn hóa. Những năm qua, hàng nghìn sự kiện văn hóa đã được tổ chức trong và ngoài nước, song hành cùng các hoạt động ngoại giao từ cấp cao nhất đến các hoạt động tại địa phương với nội dung và hình thức đa dạng.
Ở giai đoạn mới (2021-2030), nội dung, phương thức tổ chức và cách thức thực hiện cũng sẽ cần được đổi mới và phù hợp hơn trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và những đổi thay hàng ngày của xã hội.
Tại Hội nghị Ngoại giao văn hóa: “Triển khai Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030: Chủ động thích ứng, góp phần lan tỏa giá trị và quảng bá sản phẩm Việt Nam” vừa diễn ra tại Hà Nội, nhiều đại biểu nhận định rằng, với 2,8 tỷ người dùng facebook, 3 tỷ người sử dụng các nền tảng mạng xã hội khác, Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng “ngôi nhà số” trên các nền tảng xã hội, nơi giới thiệu hình ảnh đất nước, con người, lịch sử, văn hóa... tăng cường kết nối Việt Nam với thế giới.
Sự phát triển vượt bậc của công nghệ đã mở ra nhiều cơ hội để ngoại giao văn hóa phát huy sức mạnh, thúc đẩy truyền thông quốc tế, truyền thông xã hội, qua đó lan tỏa thông điệp về một Việt Nam hòa bình, thân thiện, an toàn và đáng sống, để tăng cường mức độ phủ sóng và nhận diện thương hiệu quốc gia trên toàn cầu.
Anh Vũ – Chí Phương
Mời quý vị xem các Tin tức trong nước đã phát sóng tại đây./.