Hai cổ vật triều Nguyễn là chiếc mũ quan văn chánh nhất phẩm và áo Nhật Bình cuối năm 2021 lập kỷ lục trên sàn đấu giá Auctionet của nhà đấu giá Balclis ở Barcelona (Tây Ban Nha) với giá khoảng 35 tỷ đồng. Hai cổ vật này sau đó được “hồi hương” về Huế do một doanh nghiệp Việt Nam thắng phiên đấu giá hiến tặng cho Bảo tàng Huế.
Chiếc bát ngọc "được cho là mang dấu của vua Tự Đức" và được giới thiệu thuộc bộ sưu tập của Nam Phương Hoàng hậu, được đấu giá thành công ở Pháp với mức xấp xỉ 21 tỷ đồng.
Gần đây nhất là ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” triều Nguyễn cũng từng nằm trong danh sách đấu giá của nhà đấu giá Millon, hiện đang tạm ngừng đấu giá để chờ cơ hội đàm phán “hồi hương”.
Mới đây nhất, một sự kiện hồi hương cổ vật được dư luận đặc biệt quan tâm, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tiếp nhận 10 hiện vật do Đại sứ quán Hoa Kỳ trao tặng. Các hiện vật được tiếp nhận gồm: 1 rìu đá Hậu kỳ đá mới; 4 hiện vật (3 rìu đồng, 1 nồi gốm) thuộc văn hóa Đông Sơn; 3 tượng cá sấu đá thế kỷ 1 - 2 sau công nguyên và 2 tẩu đồng thế kỷ 17 - 18. Việc hồi hương cổ vật qua con đường ngoại giao là điều hết sức ý nghĩa, tuy nhiên, cần xây dựng chính sách riêng hồi hương cổ vật, trong đó tạo điều kiện cho các bảo tàng công lập tham gia.
Các chuyên gia nhận định rằng, cần có quy định pháp luật, thể chế hóa việc hồi hương cổ vật. Cụ thể là sửa đổi, bổ sung Luật Di sản Văn hóa, chính sách để bảo tàng mua lại hiện vật đưa về nước hoặc văn bản hướng dẫn tổ chức, cá nhân đấu giá cổ vật ở nước ngoài và đưa về Việt Nam... Trong đó, cần có cơ chế hiệu quả để việc xã hội hóa đưa tài sản văn hóa Việt hồi hương.
Cổ vật là những di sản có ý nghĩa văn hóa to lớn, là minh chứng cho quá trình lịch sử của một quốc gia. Do đó, hy vọng, Nhà nước và cộng đồng sẽ cùng chung tay để ngày càng nhiều cổ vật còn lưu lạc khắp nơi trên thế giới được hồi hương trở về./.
Thực hiện: Anh Vũ – Chí Phương