Thúc đẩy sáng tạo từ di sản công nghiệp
Hơn 200.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm. 30.000 lượt khách tham quan tháp nước Hàng Đậu. 26.000 vé bán ra cho chuyến tàu di sản. Đủ cho thấy sức hút của Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023. Đây có thể coi là mô hình thí điểm cho việc tái thiết, chuyển đổi thích ứng song song với bảo tồn di sản công nghiệp.
Di sản công nghiệp chứa đựng những giá trị về lịch sử, văn hóa, bối cảnh xã hội đặc biệt của một quốc gia hay một địa phương. Tại Châu Âu, việc chuyển đổi, tái thiết các di sản công nghiệp như các bến tàu, nhà máy, xí nghiệp, hầm mỏ... thành các bảo tàng và trung tâm văn hóa mới, địa chỉ tham quan hấp dẫn đã diễn ra từ những năm 1980.
Thời gian qua, nhiều công trình công nghiệp của chúng ta đã bị xóa sổ để chuyển đổi sang mục đích khai thác thương mại. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, nghệ sỹ, nếu giải quyết hài hòa được lợi ích kinh tế và yếu tố văn hóa từ việc tái tạo các “di sản” công nghiệp, Hà Nội sẽ có nhiều đột phá về sáng tạo, tạo ra được bản sắc riêng từ những khoảng không gian kết nối giữa quá khứ và hiện tại.
Hiện di sản công nghiệp chưa có trong Luật Di sản văn hóa. Đây là khó khăn cho công tác quản lý và tái thiết những công trình này. Nhưng có thể tin rằng những khởi đầu về việc khôi phục không gian Nhà máy Xe lửa Gia Lâm hay tháp nước Hàng Đậu sẽ mở ra một trang mới cho một đời sống đầy sáng tạo của những “di sản” công nghiệp trong tương lai.
Thực hiện: Lê Liên - Trọng Khánh - Chí Phương