Thúc đẩy tỷ lệ nội địa hóa công nghiệp năng lượng tái tạo
Tại diễn đàn, các chuyên gia đánh giá, Việt Nam đang trở thành thị trường sôi động bậc nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương và dẫn đầu Đông Nam Á trong lĩnh vực phát triển điện gió và điện mặt trời. Tính đến cuối năm 2022, tổng công suất nguồn điện toàn hệ thống đạt 79.250MW, trong đó tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) đạt khoảng 20.165MW, chiếm tỷ trọng 25,4%. Trong Quy hoạch điện VIII, Chính phủ ưu tiên phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện, nguồn điện này sẽ chiếm tỉ lệ khoảng 30,9 - 39,2% vào năm 2030. Đặc biệt, Việt Nam có tiềm năng nội địa hóa công nghệ năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, để đạt được tỷ lệ nội địa hóa cao, cần có những bước đi bài bản hơn.
Cũng theo các chuyên gia, 3 mảng có tiềm năng điện gió trên bờ, điện gió ngoài khơi và điện mặt trời, trong giai đoạn 2025-2050 có thể đạt tới 160 tỷ USD. Để phát triển ngành điện tái tạo, bên cạnh những hỗ trợ về mặt chính sách, các doanh nghiệp cũng phải chủ động tích cực hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước để tiếp cận được nguồn thông tin, công nghệ và những hỗ trợ cần thiết khác. Có như vậy mới góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa chuỗi cung ứng cũng như thúc đẩy sự tham gia sâu của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc cung cấp các dịch vụ cho lĩnh vực năng lượng tái tạo./.
Thực hiện: Vũ Đào – Trọng Khánh