Chính vì vậy, trong Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Chính phủ đã xác định, việc thúc đẩy văn hóa đọc trong thế hệ trẻ là nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, đặc biệt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.
Theo số liệu của Cục Xuất bản Việt Nam, bình quân mỗi năm Việt Nam xuất bản khoảng 410 triệu bản sách. Đáng chú ý, 3/4 trong số này là sách giáo khoa, giáo trình phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu, tham khảo cho gần 24 triệu học sinh, sinh viên trên cả nước.
Như vậy, chỉ còn khoảng 100 triệu sách cho gần 98 triệu dân. Điều này đồng nghĩa với việc mỗi năm, một người Việt chỉ đọc chừng 1 quyển sách.
Để lan tỏa và thúc đẩy văn hóa đọc trong cộng đồng, đặc biệt là thanh thiếu niên, nhiều hoạt động thiết thực đã được các cấp, ngành triển khai nhằm xây dựng và phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng đọc sách trong cộng đồng theo đúng tinh thần Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ.
Đặt trong bối cảnh sự phát triển không ngừng của khoa học và công nghệ, đặc biệt là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các hoạt động thực tiễn phát triển văn hóa đọc tại các bộ, ngành, địa phương cho thanh thiếu niên đã linh hoạt thay đổi hướng tiếp cận cũng như cách tổ chức để mang lại hiệu quả tốt nhất, theo đó nổi bật là công tác chuyển đổi số các đầu sách, tài liệu... hướng đến độc giả trên không gian mạng.
Rõ ràng, bên cạnh việc tạo môi trường đọc hứng thú cho thanh thiếu niên, hướng đi tất yếu để thúc đẩy văn hóa đọc trong cộng đồng là tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, chú trọng phát triển tủ sách điện tử để dễ dàng tiếp cận với thế hệ trẻ, khuyến khích tinh thần tự đọc, tự nghiên cứu, tìm tòi… từ đó khơi dậy tinh thần hiếu học, hình thành thói quen đọc sách trong mỗi bạn trẻ, góp phần xây dựng một xã hội học tập.
Anh Vũ - Anh Dũng
Mời quý vị xem các tin tức trong nước đã phát sóng tại đây./.