Video Tin trong nước

Thúc đẩy xuất khẩu lúa gạo nhưng vẫn đảm bảo an ninh lương thực Quốc gia

Giá gạo ở châu Á tăng cao nhất trong vòng 15 năm qua. Đây là cơ hội vàng cho xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam. Tuy nhiên, đồng thời với thúc đẩy xuất khẩu lúa gạo, các chuyên gia cũng khuyến cáo cần cân đối đảm bảo an ninh lương thực.
20:56 - 22/08/2023

THÚC ĐẨY XUẤT KHẨU LÚA GẠO NHƯNG VẪN ĐẢM BẢO AN NINH LƯƠNG THỰC QUỐC GIA

Ở thời điểm này, hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang bước vào cao điểm thu mua và tăng lượng sản xuất các vụ kế tiếp nhằm đáp ứng lượng đơn hàng tăng nhanh từ đối tác quốc tế. Bội thu đơn hàng, nhưng các chuyên gia cũng cảnh báo, cần có sự điều tiết để đảm bảo an ninh lương thực, đáp ứng các nhu cầu trong nước, đặc biệt là dự báo tình hình thiên tai từ nay đến cuối năm còn nhiều diễn biến phức tạp. 

Để vừa thúc đẩy xuất khẩu gạo bền vững, vừa đảm bảo an ninh lương thực, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các địa phương rà soát định hướng quy hoạch, phát triển các vùng sản xuất lúa hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao, bảo đảm diện tích đất chuyên trồng lúa, theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, thiên tai, dịch bệnh để kịp thời điều chỉnh sản xuất, đảm bảo mục tiêu sản xuất trên 43 triệu tấn lúa/năm trong các năm tiếp theo. Tuy nhiên, để hoạt động xuất khẩu thực sự bền vững, các chuyên gia cho rằng cần nâng cao chất lượng, đặc biệt là phân khúc gạo cao cấp, cùng với đó đẩy mạnh mô hình liên kết "4 nhà": nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà sản xuất. 

Dự báo xuất khẩu gạo năm nay có thể đạt 7 triệu tấn. Các cơ quan quản lý nhà nước nên xem xét điều tiết sản lượng xuất khẩu cân bằng cho từng tháng, từng quý. Đồng thời, cần có chính sách ứng phó kịp thời, phù hợp, vừa để doanh nghiệp tận dụng cơ hội, vừa có lợi cho người trồng lúa. Khi đó, sản lượng được duy trì ổn định, đáp ứng cho xuất khẩu và nhu cầu trong nước./.

Thực hiện: Vũ Đào – Quốc Hùng