Khẳng định, dự thảo luật đã góp phần thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia và chiến lược phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nền hành chính và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên để đảm bảo tính khả thi của luật, một số ý kiến đề nghị cần rà soát đảm bảo tính thống nhất với các luật hiện hành có liên quan.
Làm rõ thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, với tinh thần chủ động tham gia quá trình hội nhập quốc tế, thời gian qua, lưu trữ Việt Nam đã xây dựng được một mạng lưới hợp tác quốc tế về lưu trữ rộng khắp trong khu vực và trên thế giới và thực hiện được nhiều hoạt động hợp tác thiết thực, ý nghĩa. Qua các hoạt động hợp tác đa phương và song phương, Lưu trữ Việt Nam đã cập nhật nhiều thông tin khoa học nghiệp vụ để vận dụng vào thực tiễn công tác lưu trữ ở Việt Nam.
Về các quy định liên quan tới chứng chỉ hành nghề lưu trữ, một số ý kiến cho rằng, dự thảo Luật đã nâng cấp, giao Bộ Nội vụ cấp chứng chỉ thay vì Giám đốc Sở Nội vụ cấp so với trước, Dự thảo Luật cũng đã sửa đổi Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện tại Luật Đầu tư là rất phù hợp. Tuy nhiên, cũng cần quy định điều khoản chuyển tiếp đảm bảo phù hợp hơn, cũng như bổ sung một số nội dung cụ thể.
Theo quy định tại dự thảo Luật thì Điều kiện được cấp Chứng chỉ hành nghề lưu trữ bao gồm: Là công dân Việt Nam;Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; Có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên phù hợp hoạt động dịch vụ lưu trữ; Đạt yêu cầu kiểm tra nghiệp vụ do Bộ Nội vụ tổ chức. Bộ trưởng Bộ Nội vụ sẽ quy định chi tiết việc cấp, cấp lại, thu hồi Chứng chỉ hành nghề lưu trữ./.
Thực hiện: Huy Vinh - Quốc Hùng