Đây là lễ hội truyền thống có từ hàng trăm năm nay, sau một thời gian dài thất truyền mới được Thường Tín khôi phục từ năm 2018.
Thường Tín xưa nổi tiếng là đất khoa bảng. Dưới thời phong kiến, ở đây đã có 128 người đỗ đại khoa (từ tiến sĩ đến trạng nguyên), trong đó có 68 nhà khoa bảng được khắc tên trên Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Đây cũng là huyện có nhiều nhà khoa bảng nhất trên toàn thành phố Hà Nội.
Lễ hội khai bút xuân Nhâm Dần và tôn vinh làng nghề truyền thống ở Thường Tín là hoạt động nhằm tôn vinh truyền thống tôn sư, trọng đạo của dân tộc; khơi dậy niềm tự hào truyền thống hiếu học, khoa bảng của vùng đất trăm nghề, đồng thời bảo tồn và phát huy các giá trị của di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn huyện.
Lễ hội năm nay càng có ý nghĩa đặc biệt khi được tổ chức tại Văn Từ Thượng Phúc – một công trình lịch sử gắn bó với truyền thống khoa bảng của đất Thường Tín, nơi vinh danh các bậc hiền tài, khoa bảng xưa kia.
Năm nay, ngoài nghi thức khai bút, lễ hội còn tri ân các bậc tiền nhân có công truyền nghề, biểu dương, khen thưởng, khuyến khích, động viên và ghi nhận các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ, phát triển nghề, làng nghề truyền thống...
Đến với lễ hội, du khách còn được tham quan các gian hàng của các làng nghề truyền thống nổi tiếng, tiêu biểu như: Làng nghề sơn mài Hạ Thái; làng nghề xương sừng Thụy Ứng, làng nghề thêu truyền thống Quất Động...
Lê Liên - Trọng Đại
Mời quý vị xem các tin tức đã phát sóng tại đây./.