Tiếp tục nâng cao chất lượng phiên giải trình tại Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội
Từ thực tế tổ chức phiên giải trình tại Ủy ban Kinh tế, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu cho rằng một trong những yếu tố giúp tổ chức thành công phiên giải trình là phải chuẩn bị kỹ lưỡng để bảo đảm chất lượng, trong đó, việc xây dựng các câu hỏi để tham khảo có ý nghĩa quan trọng, giúp các đại biểu Quốc hội có được một số định hướng cơ bản để khai thác sâu các vấn đề. Cùng với đó, là việc lựa chọn đúng và trúng chủ đề.
Để đảm bảo chất lượng, hiệu quả cho các phiên giải trình trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan tán thành với mục đích, yêu cầu của nghị quyết. Tuy nhiên Bộ trưởng cũng bày tỏ băn khoăn về thời gian công bố phiên giải trình trước 10 ngày đối với các nội dung bình thường và 3 ngày đối với nội dung cấp bách.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương ghi nhận các ý kiến đóng góp, đồng thời, đề nghị các cơ quan cần quán triệt đầy đủ, thực hiện nghiêm túc các nội dung của Nghị quyết số 969. Chủ động thu thập, tổng hợp thông tin, trên cơ sở triển khai các hoạt động giám sát thuộc lĩnh vực phụ trách hoặc được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công để lựa chọn nội dung giải trình trong Chương trình giám sát hằng năm của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.
Đối với phần kết luận các vấn đề được giải trình, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương yêu cầu phải có kiến nghị, yêu cầu cụ thể, rõ ràng, thời gian thực hiện, trách nhiệm thực hiện, báo cáo việc thực hiện kết luận của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Kết luận cũng cần nêu những dấu hiệu, nguy cơ tiềm ẩn phức tạp có thể nảy sinh trong hoạt động quản lý, phụ trách của đối tượng giải trình nhằm nâng cao trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả trong thực thi pháp luật.
Thực hiện: Huy Vinh - Quốc Hùng