Tính từ ngày 15/12/2020 - 12/11/2021, lực lượng chức năng Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra 3.783 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; xử lý 3.757 vụ; xử phạt vi phạm hành chính 39,146 tỷ đồng. Trị giá hàng tịch thu, buộc tiêu hủy 124,139 tỷ đồng…
Hàng giả tập trung chủ yếu ở một số chủng loại, mẫu mã, sử dụng nhãn mác, bao bì của các doanh nghiệp có uy tín; giả mạo các nhãn hiệu được bảo hộ tại Việt Nam. Đặc biệt, do tình hình đại dịch Covid-19 trên địa bàn Hà Nội diễn biến phức tạp, hoạt động buôn bán hàng hóa qua mạng xã hội, các kênh thương mại điện tử diễn ra phổ biến, tiềm ẩn nguy cơ buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm chất lượng.
Bên cạnh đó, để đối phó với các cơ quan chức năng, các đối tượng buôn lậu thường xuyên thay đổi phương thức vận chuyển, cất giữ hàng hóa bằng nhiều thủ đoạn như: thuê các điểm gần khu dân cư đông đúc, để làm nơi tập kết hàng, khiến công tác triển khai kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng gặp không ít khó khăn.
Dự báo tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả cuối năm 2021 có chiều hướng diễn biến phức tạp trên tất cả các tuyến, lĩnh vực, địa bàn, nhất là thời điểm trước dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Bên cạnh đó, dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, kéo dài, sẽ là nguy cơ, thách thức lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh trật tự của đất nước và đời sống của nhân dân.
Trước tình hình đó, thời gian cuối năm, Cục Quản lý thị trường Hà Nội sẽ Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường, UBND TP.Hà Nội trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp làm ăn chân chính và người tiêu dùng; tiếp tục chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường trực thuộc tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa, nhất là các mặt hàng phục vụ công tác phòng chống dịch (khẩu trang, kit test nhanh Covid-19, dung dịch sát khuẩn, thiết bị y tế...);
Tập trung kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tránh chồng chéo. Chủ động phối hợp với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các quận, huyện, thị xã, các ban quản lý chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các cửa hàng kinh doanh... tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, bảo đảm công tác phòng chống dịch Covid-19, trong đó có việc quét mã QR code tại các điểm bán hàng;
Xây dựng và triển khai kế hoạch kiểm tra liên ngành dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022; Tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp giữa các lực lượng chức năng, tạo nên sức mạnh tổng hợp, đạt hiệu quả cao trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý triệt để các hành vi đầu cơ, găm hàng, hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm… dịp trước, trong, sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Đặc biệt chú trọng kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện các đối tượng lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng tăng giá bất hợp lý hàng hóa thiết yếu, các mặt hàng phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19. Đồng thời tích cực phối hợp với các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương...