Nhằm tìm kiếm những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong ngành này, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) vừa tổ chức Diễn dàn với sự tham dự của đại diện Bộ Công Thương, Tổng Cục thuế, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, các luật sư và các doanh nghiệp trong ngành bia, rượu, nước giải khát.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, nhiều năm nay, song song với lĩnh vực thực phẩm - ngành sản xuất và kinh doanh đồ uống luôn là một trong những ngành kinh tế quan trọng và đầy tiềm năng phát triển ở Việt Nam. Hiện ngành này đang tạo công ăn việc làm cho 220.000 lao động trực tiếp và hàng triệu lao động gián tiếp, đóng góp cho ngân sách nhà nước hơn 60.000 tỷ đồng mỗi năm.
Ngoài ra, theo ước tính của Bộ Công Thương, mức tiêu thụ hàng năm của ngành thực phẩm và đồ uống Việt Nam luôn chiếm khoảng 15% GDP và có xu hướng tăng trong thời gian tới. Với tốc độ tăng trưởng hàng năm được dự báo là 6%, ngành công nghiệp đồ uống là một trong những ngành hàng tiêu dùng nhanh tăng trưởng cao nhất tại Việt Nam.
Mặc dù mang lại nguồn thu thuế dồi dào cho ngân sách nhà nước, nhưng ngành đồ uống có cồn cũng được nhận định là có tác động tiêu cực đến sức khỏe của người tiêu dùng và an ninh xã hội. Do vậy, ngành này đang phải chịu những hạn chế nhất định, trong đó có việc chịu mức thuế tiêu thụ đặc biệt cao.
Tại diễn đàn, các đại biểu đã đưa ra những kiến nghị để ngành công nghiệp rượu, bia, nước giải khát nhận được sự hỗ trợ từ phía nhà nước bình đẳng như các doanh nghiệp thuộc loại hình kinh doanh khác, ổn định chính sách kinh tế vĩ mô, trong đó có chính sách thuế, tạo sự bình đẳng với các ngành khác trong việc tiếp cận nguồn lực chính sách. Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp ngành này cũng cần có những đóng góp nhất định vào việc đảm bảo sức khỏe toàn dân và an ninh xã hội.
Tiến Dũng - Minh Quân
Mời quý vị xem các tin tức đã phát sóng tại đây./.