Tìm giải pháp tháo gỡ nút thắt cho ngành năng lượng Việt Nam
Tham dự Diễn đàn có ông Đỗ Tiến Sỹ, UVTƯ Đảng, TGĐ Đài Tiếng nói Việt Nam; Đại diện Ủy bạn KHCN và môi trường của Quốc hội; Bộ Công Thương; Tổng công ty Điện lực Miền Bắc; các diễn giả là chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng, công nghệ; cùng đại diện các doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu.
Phát biểu khai mạc, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Đỗ Tiến Sỹ cho biết, năm 2023 được xem là mốc thời điểm quan trọng trong tiến trình chuyển dịch cơ cấu năng lượng của Việt Nam. Chuyển đổi xanh trong lĩnh vực năng lượng đang dần trở thành xu hướng chủ đạo, là một trong những ưu tiên và nhu cầu hàng đầu hiện nay. Việt Nam thuộc danh sách các nước có tiềm năng lớn để đầu tư thêm các nguồn năng lượng tái tạo mới như: điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối, điện sóng biển và khí sinh học Biogas, bên cạnh các nguồn năng lượng sẵn có như điện khí tự nhiên hóa lỏng, thủy điện và điện than.
Nhiều chuyên gia cũng nhận định, việc chuyển đổi Năng lượng, trong đó có chuyển đổi cơ cấu nguồn điện tại Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức: Năng lượng tái tạo yêu cầu vốn đầu tư lớn, khả năng thu hồi vốn lâu; Giá thành sản xuất cao hơn nguồn năng lượng truyền thống; Năng lực và trình độ công nghệ trong nước còn hạn chế, tỷ lệ nội địa hóa công nghệ ngành năng lượng còn thấp; công tác quy hoạch, quản lý đầu tư xây dựng và khai thác các dự án điện gió, điện mặt trời còn nhiều bất cập, phát triển chưa đồng bộ với hệ thống truyền tải điện…
Các đại biểu cũng cho rằng, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng là yêu cầu cấp thiết để giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng, nhất là nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu. Việc kêu gọi trực tiếp người dân thực hiện sử dụng tiết kiệm và bảo tồn năng lượng có thể hữu ích trong ngắn hạn, nhưng không thể thay thế hoàn toàn cho các biện pháp chính sách mạnh mẽ từ phía Chính phủ trong trung và dài hạn./.
Thực hiện: Tiến Dũng – Trọng Khánh