Tìm giải pháp thúc đẩy quá trình tái chế nhựa tại Việt Nam
Theo thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa. Trong đó, 0,28 - 0,73 triệu tấn rác bị thải ra biển, tương đương gần 6% tổng lượng rác thải nhựa ra biển của thế giới. Việc tái chế nhựa đòi hỏi sự đầu tư không nhỏ về công nghệ, nhân lực và tài chính, do vậy mới chỉ có khoảng 10% rác thải nhựa được tái chế, còn lại chủ yếu xử lý bằng cách chôn, lấp hoặc đốt. Ngay cả khi doanh nghiệp có đủ khả năng trong việc thu gom, xử lý và tái chế bao bì sản phẩm thì một sản phẩm tái chế thường có giá thành cao hơn 25-30% so với sản phẩm nhựa thông thường.
Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã đưa ra quy định trách nhiệm của nhà sản xuất. Theo đó, nhà sản xuất, nhập khẩu phải có trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải và tái chế bao bì, sản phẩm. Điều này này đặt ra yêu cầu các doanh nghiệp trong nước và quốc tế cần nghiên cứu ra những giải pháp để thu gom, tái chế rác thải nhựa sao cho hợp lý để mô hình tuần hoàn nhựa có thể được áp dụng rộng rãi, mang đến tác động bền vững cho môi trường, xã hội.
Để kêu gọi sự tham gia, vào cuộc của nhiều hơn các cá nhân, doanh nghiệp, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phát động chương trình "Giải pháp đổi mới tuần hoàn nhựa 2024" để tìm ra các sáng kiến đổi mới sáng tạo hướng tới hoàn thiện mô hình kinh tế tuần hoàn nhựa và tập trung vào khâu thu gom tái chế rác thải nhựa. Đồng thời kêu gọi các tổ chức tài chính đầu tư, hỗ trợ cho các sáng kiến, giải pháp phân loại, thu gom, tái chế rác thải nhựa, bao bì nhựa từ Chương trình này được triển khai, nhân rộng tại Việt Nam.
Chương trình "Giải pháp đổi mới tuần hoàn nhựa 2024" được kỳ vọng sẽ trở thành vườn ươm cho nhiều giải pháp sáng tạo, thúc đẩy hiệu quả kinh tế tuần hoàn nhựa, với ý nghĩa mang đến nguồn cảm hứng cho nhiều sáng kiến tương tự, góp phần vẽ nên bức tranh về một tương lai xanh cho Việt Nam./.
Thực hiện: Vân Anh – Lê Hải