Tham dự tọa đàm có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, cùng Chủ tịch, các phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội, Thừa Thiên – Huế và Thành phố Hồ Chí Minh.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh ôn lại quá trình từ phong trào kết nghĩa Hà Nội – Huế - Sài Gòn đã phát triển nhanh chóng và tạo ra những kết quả to lớn trên địa bàn Thủ đô, đặc biệt là nhiều phong trào thi đua trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội hướng về miền Nam ruột thịt. Trong 10 năm (1965-1975), Hà Nội đã tiến hành 29 đợt tuyển quân, động viên 8,6 vạn thanh niên nhập ngũ để bổ sung cho các quân binh chủng, trực tiếp chi viện cho các chiến trường. Hơn 11.560 người con ưu tú của Thủ đô đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp vẻ vang của dân tộc trên chiến trường miền Nam. Ngay sau ngày đất nước thống nhất, với những năm tháng đầy khó khăn, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Hà Nội cùng Huế, Sài Gòn từng bước vượt qua khó khăn bước vào thời kỳ đổi mới.
Phát biểu tại tọa đàm, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế Lê Trường Lưu cho biết, trong quá trình hình thành và phát triển của lịch sử, ba địa danh Thăng Long, Thuận Hóa, Gia Định hay Hà Nội, Huế, Sài Gòn là ba cột mốc quan trọng. Mối quan hệ lâu đời giữa ba địa phương Hà Nội, Huế, thành phố Hồ Chí Minh là tiền đề quan trọng tạo nên sự phát triển của Việt Nam qua các thời kỳ cũng như trong bối cảnh hội nhập và phát triển hiện nay.
Phát biểu tại tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức khẳng định, mối tình kết nghĩa thắm thiết keo sơn của ba thành phố đã ghi vào những trang sử vẻ vang, mãi khắc sâu trong lòng nhân dân cả nước; động viên nhân dân Hà Nội nỗ lực xây dựng Thủ đô xã hội chủ nghĩa, cổ vũ nhân dân Huế, Sài Gòn và miền Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập tự do, thống nhất đất nước. Tình nghĩa keo sơn gắn bó đó còn là một trong những nền tảng tạo nên sức mạnh to lớn trong suốt chiều dài của lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc.
Cũng xuất phát từ việc kết nghĩa của ba thành phố, sau ngày đất nước thống nhất, tỉnh Thừa Thiên Huế đã quyết định đặt đổi một số tên đường như đường Hà Nội, đường Bến Nghé, UBND thành phố Hồ Chí Minh cũng quyết định đổi tên Xa lộ Biên Hòa thành Xa lộ Hà Nội vào dịp 30 năm ngày Giải phóng Thủ đô Hà Nội
Tại tọa đàm, nhiều nhân chứng lịch sử trong giai đoạn đầu kết nghĩa đã chia sẻ nhiều kỷ niệm, làm rõ mối quan hệ sâu sắc bền chặt của 3 thành phố suốt 60 năm qua.
Thực hiện: Cao Thắng, Anh Dũng
Mời quý vị xem các tin tức đã phát sóng tại đây./.