Tổng Kiểm toán Nhà nước trình bày báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2022
Theo báo cáo, qua kiểm toán tại Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2023, KTNN đã kiến nghị tăng thu giảm chi trên 21 nghìn tỷ đồng, kiến nghị xử lý khác hơn 28,5 nghìn tỷ đồng.
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, qua kiểm toán, phát hiện còn tình trạng hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí từ đó tính thiếu thuế cũng như các khoản thu khác. Ở đầu chi ngân sách, Kiểm toán nhà nước nhận thấy vẫn tồn tại 44 dự án nguồn ngân sách trung ương được kéo dài thời gian giải ngân, thanh toán từ năm 2021 sang năm 2022. Sau đó, số dự án này vẫn không giải ngân hết trong năm 2022, phải hủy bỏ với số tiền gần 349 tỷ đồng và tiếp tục được bố trí kế hoạch vốn năm 2022 nhưng vẫn không giải ngân được, phải kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2023 là 611 tỷ đồng hoặc hủy bỏ hơn 1.400 tỷ đồng.
Một số khoản chi sự nghiệp nguồn ngân sách trung ương thực hiện thấp so với dự toán giao như: Chi lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề; lĩnh vực y tế, dân số và gia đình, lĩnh vực văn hóa thông tin, lĩnh vực bảo vệ môi trường. Tại một số bộ, cơ quan trung ương còn tình trạng chi sai quy định phải thu hồi nộp ngân sách nhà nước; có 5/60 địa phương được kiểm toán hỗ trợ không đúng nhiệm vụ chi theo phân cấp; 31/60 địa phương sử dụng sai nguồn 3.296,266 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2022 cũng chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế chưa được xử lý dứt điểm. Cụ thể như, việc lập, chấp hành dự toán, quyết toán NSNN năm 2022 còn nhiều tồn tại, hạn chế tại một số Bộ, ngành, địa phương; dự toán chi NSNN không sát, dẫn đến một số khoản chi thường xuyên, giải ngân đầu tư thực hiện thấp hơn nhiều so với dự toán; phải hủy bỏ hoặc chuyển nguồn sang năm sau lớn; tình trạng chậm tổng hợp, gửi báo cáo quyết toán NSNN năm 2022 tồn tại ở nhiều Bộ, ngành, địa phương; tình trạng điều chỉnh thông tin, số liệu quyết toán sau thời gian chỉnh lý quyết toán NSNN chưa được khắc phục./.