Tranh Hàng Trống là kết quả của sự giao thoa tinh hoa giữa Phật giáo và Nho giáo, giữa loại hình tượng thờ, điêu khắc ở đình, chùa với những nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa hàng ngày. Tranh dân gian Hàng Trống từng trở thành một phần không thể thiếu trong không gian ngày Tết cổ truyền của người Hà Thành. Trong chuyên mục điểm đến hôm nay mời quý vị và các bạn cùng ghé thăm những địa điểm đang lưu giữ dòng tranh này.
Tại căn nhà nhỏ trên phố Cửa Đông (Hà Nội), nghệ nhân Lê Đình Nghiên - người giữ nghề cuối cùng của tranh Hàng Trống vẫn hàng ngày lặng lẽ vẽ những bức tranh đặc biệt của mình. Ông bắt đầu vẽ từ năm 11 tuổi và là thế hệ thứ ba trong gia đình có truyền thống nghề tranh ở làng Bình Vọng, Thường Tín, sau lập nghiệp ở phố Hàng Trống. Mặc dù hiện nay phải "độc hành" trên con đường gìn giữ dòng tranh quý này, nghệ nhân Lê Đình Nghiên vẫn say sưa, tâm huyết khôi phục lại thứ nghề đã gắn liền với văn hóa, lịch sử của dân tộc.
Ngôi đình Nam Hương nằm trên phố Hàng Trống (quận Hoàn Kiếm) xưa kia là con phố được bày bán tranh Hàng Trống hoàng kim một thời... Năm 2020, sau khi được trùng tu, tôn tạo, ngôi đình Nam bỗng tấp nập hơn khi trở thành nơi trưng bày các tác phẩm thuộc dự án “Từ truyền thống tới truyền thống” của các sinh viên khoa Hội họa (Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam). Sau dự án, công chúng và giới trẻ đã dành nhiều sự quan tâm hơn cho dòng tranh này.
Những năm gần đây, những bức tranh dân gian Hàng Trống xưa được sống lại trong một không gian mới, mang hơi thở mới của cuộc sống đương đại qua con mắt của các nghệ sĩ trẻ, góp phần đưa những giá trị truyền thống ứng dụng vào cuộc sống hôm nay...
Trong mỗi bức tranh Hàng Trống chứa đựng nhiều đặc trưng trong văn hóa của vùng đất Hà Thành cần được lưu giữ và bảo tồn. Mỗi bức tranh có thể là cả một câu chuyện dài về điển tích ẩn chứa những ý nghĩa nhân văn mang hơi thở cuộc sống xa xưa. Dù chưa thể khẳng định những dự án “hồi sinh” văn hóa dân gian thành công đến đâu nhưng sự nỗ lực, tâm huyết của người trẻ trong bảo tồn, tiếp nối giá trị truyền thống là điều đáng ghi nhận, khuyến khích. Dựa vào tính chất trang trí, thẩm mỹ để “kéo dài” đời sống của dòng tranh vốn hưng thịnh một thời của Kinh kỳ xưa -– mang lại cho nó những diện mạo mới, cách thể hiện mới từ nét xưa cũ.
Thực hiện: Ngọc Hoà, Lê Thanh