Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang triển khai đến năm thứ tư, song đã có hai lần điều chỉnh quyền lựa chọn sách giáo khoa. Cụ thể, năm học 2020-2021 - năm đầu tiên triển khai chương trình mới đối với lớp 1, Bộ Giáo dục và Đào tạo giao các nhà trường thành lập hội đồng thẩm định sách giáo khoa. Từ năm học 2021-2022 đến nay, việc lựa chọn sách giáo khoa tại địa phương do hội đồng của UBND cấp tỉnh, thành phố quyết định. Theo dự thảo vừa công bố, dự kiến từ năm học 2024-2025, việc lựa chọn, quyết định sách giáo khoa sẽ được “trả lại” cho nhà trường.
Việc này được cho là phù hợp với thực tiễn vì mỗi trường có điều kiện cơ sở vật chất, trình độ giáo viên và năng lực học sinh khác nhau. Được trao quyền tự chủ, các thày cô sẽ có trách nhiệm chọn sách giáo khoa nghiêm túc, phù hợp với học sinh, tối ưu hóa chất lượng giảng dạy.
Việc để các trường tự thành lập hội đồng chọn sách thể hiện sự lắng nghe tiếng nói của các thầy cô giáo đang trực tiếp giảng dạy học sinh. Điều này cũng góp phần cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian chọn sách, tránh lãng phí, hạn chế tình trạng tham nhũng, tiêu cực khi các NXB “bắt tay” với các hội đồng thẩm định của các tỉnh, thành, tác động đến việc chọn sách.
Dự thảo với nhiều điểm mới và cả những ưu, nhược điểm nhất định. Nhưng điều quan trọng nhất, nếu dự thảo được thông qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có cơ chế quản lý, giảm sát chặt chẽ, hiệu quả.
Thời gian Bộ Giáo dục và Đào tạo xin ý kiến góp ý kéo dài đến hết ngày 20-12 tới./.
Thực hiện: Anh Vũ – Chí Phương – Trọng Khánh