Theo TS.BS Nguyễn Phạm Anh Hoa - Trưởng khoa Gan mật Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay, tới nay, dù đã phát hiện tới gần 300 trường hợp trẻ mắc viêm gan cấp tính trên hơn 20 nước trên thế giới nhưng nguyên nhân, dịch tễ, nguồn lây và đường lây bệnh này thực sự chưa rõ ràng. Tuy nhiên, có một số yếu tố liên quan đã được ghi nhận ban đầu, trong đó các nhà khoa học chú ý nhiều tới 1 chủng virus có tên Adeno khá thường gặp ở trẻ em.
Bệnh viêm gan "bí ẩn" đã xuất hiện ở hơn 20 quốc gia nhưng các nhà khoa học vẫn chưa xác định được chính xác nguồn lây, hay dịch tễ. Tại Đông Nam Á đã ghi nhận rải rác các chùm ca bệnh và tử vong. TS.BS Nguyễn Phạm Anh Hoa nhận định khả năng xuất hiện các chùm ca bệnh với tính chất tương tự ở Việt Nam là hoàn toàn có thể xảy ra.
Do chưa biết rõ căn nguyên lây bệnh, đường lây truyền, nên theo TS.BS Nguyễn Phạm Anh Hoa, cách duy nhất để bảo vệ trẻ khỏi căn bệnh là bắt đầu ngay từ các tác nhân đã ghi nhận. Các tổn thương do đường virus như Adeno có thể lây qua giọt bắn, phân miệng và bề mặt tiếp xúc. Vì vậy, vệ sinh cá nhân, đảm bảo nguồn nước sạch, xử lý chất thải rất quan trọng.
Adenovirus có thể lây qua bề mặt tiếp xúc mà người bệnh để lại, nên việc vệ sinh bề mặt và sử dụng đồ dùng cá nhân riêng như ca, cốc, thìa, khăn mặt rất cần thiết. Ngoài ra, cần đảm bảo ăn chín, uống sôi, sử dụng nước sạch. Đây là cách trước mắt để dự phòng các nguồn lây nhiễm.
Ngọc Hòa
Mời quý vị xem các tin tức trong nước đã phát sóng tại đây./.